Trong những ngày cuối tháng 3, tỷ phú Bernard Arnault, Chủ tịch của tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH đã đến Hàn Quốc, với dự định tập trung nhiều hơn vào thị trường này. Đây được đánh giá là bước đi chiến lược khi thị trường hàng xa xỉ của khu vực này được dự đoán sẽ vượt 9 nghìn tỷ Won (gần 7 tỷ USD) vào năm 2024.
Không chỉ người giàu mới vung tiền mua những món đồ xa xỉ, mà cả thế hệ MZ - một thuật ngữ của Hàn Quốc dùng để chỉ thế hệ millennials và Gen Z (những người sinh từ những năm 1980 đến 2010) cũng sẵn sàng chi hàng nghìn USD cho những món đồ mang thương hiệu nổi tiếng.
Ở Hàn Quốc, người dân dường như bị "ám ảnh" với hàng hiệu. Nhiều người sẵn sàng xếp hàng dài trong suốt nhiều giờ, trước cả khi trung tâm thương mại mở cửa để mua hàng hiệu. Có người còn mang cả lều ngủ để chờ đợi. Trên mạng xã hội còn rộ lên dịch vụ đứng xếp hàng hộ trước các cửa hàng thời trang xa xỉ.
Theo một báo cáo của Morgan Stanley được công bố vào đầu tháng 1/2023, chi tiêu của người Hàn Quốc cho hàng xa xỉ cá nhân, túi xách hàng hiệu đến áo khoác phao, đã tăng 24% lên 21,8 nghìn tỷ Won (hơn 416 nghìn tỷ đồng) vào năm 2022, tương đương mỗi người chi tiêu khoảng 325 USD (7,6 triệu đồng). Con số này cao hơn nhiều so với Mỹ, và Trung Quốc.
Chị Alexia Yun - Giám đốc khu vực Hàn Quốc công ty thống kê Statista GmbH cho biết: "Nhu cầu về hàng xa xỉ của người dân Hàn Quốc được thúc đẩy bởi cả sự gia tăng sức mua cũng như mong muốn thể hiện địa vị xã hội. GDP bình quân đầu người tại Hàn Quốc đã tăng 30 nghìn USD, tạo ra một tầng lớp xã hội trung lưu sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn".
Theo các chuyên gia, thế hệ trẻ Millennials cũng góp phần vào sự bùng nổ hàng xa xỉ. Theo một báo cáo năm 2022 từ đơn vị khách hàng thân thiết thành viên của tập đoàn bán lẻ khổng lồ Lotte Group, việc mua hàng hóa xa xỉ của những người ở độ tuổi 20 đã tăng 70% vào năm 2021 so với năm 2018, mức tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các nhóm tuổi.
Báo cáo của Morgan Stanley cũng cho biết thêm, hầu hết các thương hiệu hàng xa xỉ đều đã khai thác tối đa "làn sóng thần tượng" ở nước này để tăng nhu cầu của người tiêu dùng.
Các thương hiệu xa xỉ đã tận dụng triệt để mọi cơ hội để tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa họ và các ngôi sao Hàn Quốc. Việc chọn lựa song hành và độc quyền đại diện của một thần tượng đối với một thương hiệu gần như lập tức đồng nghĩa với việc họ đã thu về một nguồn fan hâm mộ khổng lồ của thần tượng đó và tạo ra được doanh thu tiềm năng vô cùng lớn.
Chẳng hạn như khi Jimin, thành viên của nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng toàn cầu BTS được bổ nhiệm vị trí Đại sứ thương hiệu cho Dior Men, Investing - chuyên trang cập nhật sự biến động của thị trường cổ phiếu toàn cầu cho thấy chỉ sau một ngày, cổ phiếu của Dior đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào 17/1. Trị giá cổ phiếu Dior đã tăng vọt từ 777 Euro lên 789 Euro, cao nhất từ trước tới nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!