Báo cáo Bất bình đẳng Thế giới mới công bố cho thấy tài sản của các tỷ phủ toàn cầu trong năm 2020 đã tăng ở mức cao nhất kể từ khi báo cáo được công bố từ năm 1995. Theo báo cáo, giá trị tài sản ròng của các tỷ phú đã tăng hơn 3.600 tỷ USD trong năm 2020.
Trong chiều ngược lại, theo World Bank, đại dịch cũng đẩy khoảng 100 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực. Nâng tổng số người nghèo cùng cực trên toàn thế giới lên 711 triệu người trong năm 2021.
“Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa những người rất giàu có và phần còn lại của dân số. Tuy nhiên, ở các nước giàu, sự can thiệp của chính phủ đã ngăn chặn sự gia tăng lớn nghèo đói, điều này không xảy ra ở các nước nghèo", ông Lucas Chancel, tác giả chính của Báo cáo Bất bình đẳng Thế giới cho biết.
Theo báo cáo, 10% người giàu nhất trên toàn cầu kiểm soát đến 76% tài sản của thế giới trong năm 2021. Ngược lại, 50% người nghèo nhất chỉ chiếm 2%. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu (chiếm 40%) sở hữu 22%.
Về thu nhập, nhóm 10% người có thu nhập cao nhất chiếm 52% thu nhập toàn cầu. Trong khi nhóm 50% người có thu nhập thấp nhất chỉ kiếm được 8%. Nhóm người có thu nhập trung bình, chiếm 40%, kiếm 39% thu nhập toàn cầu.
Báo cáo nhấn mạnh người giàu đang ngày càng giàu hơn khi nhóm 1% người giàu nhất chiếm tới 38% mức tăng trưởng tài sản toàn cầu từ năm 1995 đến năm 2021. Đối với 50% người nghèo nhất, tỷ lệ này chỉ là 2%.
“Tài sản của những người giàu có tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều, từ 3% đến 9% mỗi năm trong thời kỳ 1995 - 2021. Trong khi đó, tốc độ tăng của nhóm người nghèo nhất chỉ khoảng 3-4%/năm. Vì nhóm người nghèo nhất sở hữu không nhiều của cải nên mức tăng không đáng kể”, báo cáo nhấn mạnh.
Với COVID-19, người giàu đang ngày càng giàu hơn
Đáng chú ý, khoảng cách giàu nghèo cũng thay đổi theo từng khu vực. Báo cáo cho biết khu vực Mỹ Latinh có tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo nghiêm trọng nhất. Theo đó, nhóm 10% người giàu nhất kiểm soát 77% của cải. Trong khi đó, một nửa nghèo hơn chỉ sở hữu 1%.
Ngược lại, châu Âu có khoảng cách giàu nghèo nhỏ nhất. Nhóm 10% người giàu nhất sở hữu 58% tổng tài sản, nửa nghèo hơn nắm giữ 4%.
"Với hệ thống dịch vụ công hào phóng, châu Âu đã có thể kìm chế sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Trong khi đó, Mỹ không thể làm điều đó suốt những thập kỷ qua", ông Lucas Chancel đánh giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!