Người da màu khó tìm việc làm tại Mỹ

Phương My-Thứ sáu, ngày 05/09/2014 06:00 GMT+7

Tình trạng phân biệt chủng tộc khiến cho nhiều người ở không tìm được việc làm ở Mỹ

Tại Mỹ, rất nhiều sinh viên ra trường vẫn gặp khó khăn khi tìm việc chỉ vì... cái tên của họ. Thực tế này cũng khiến cho kinh tế Mỹ thiệt hại đến 2.000 tỷ USD/năm.

Nhiều khi, chỉ thay đổi một chữ cái trong tên để làm cho nó có vẻ như là thuộc về một người da trắng, là chuyện một sinh viên Mỹ da màu đã làm để đạt được công việc mong muốn.

Jose Zamora là người Mỹ gốc Latin. Đã nhiều tháng nay, ngày nào anh cũng miệt mài lên các trang tuyển dụng, nộp đơn cho đến cả trăm công ty mà anh cho là phù hợp, nhưng chẳng bao giờ nhận được một cuộc điện thoại nào từ nhà tuyển dụng.

Bỗng một ngày Jose Zamora nảy ra một sáng kiến: bỏ đi chữ s trong cái tên Jose đậm chất Latin của mình, để trở thành Joe, một cái tên da trắng.

Chỉ một tuần sau đó, anh liên tục nhận được thư và điện thoại từ các công ty, nói rằng “Bạn chính là người chúng tôi cần”.

Josen thấy nực cười. Anh nộp đơn cho chính các công ty hồi trước, với cùng một mẫu sơ yếu lý lịch và những kinh nghiệm y hệt như cũ. Điểm khác biệt duy nhất chỉ là một chữ s trong tên, nghe có vẻ như tên của một người da trắng.

Câu chuyện của Jose không phải là duy nhất

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ, trong vòng xét duyệt hồ sơ, các ứng viên da trắng sẽ có khả năng được các nhà tuyển dụng liên lạc cao gấp đôi so với các ứng viên gốc châu Á, châu Phi hay Mỹ Latin. Dù rằng những người da màu đã không còn phải chịu chế độ nô lệ - nhưng không mang làn da trắng đồng nghĩa với việc hàng triệu người Mỹ hàng ngày vẫn phải đối mặt với cuộc sống thiếu bình đẳng. Và hệ quả của phân biệt chủng tộc không chỉ dừng lại ở những ảnh hưởng lên dân sinh xã hội Mỹ - theo một nghiên cứu mới đây của Bộ Thương mại Mỹ, những hành vi phân biệt chủng tộc đã làm nền kinh tế số 1 thế giới thiệt hại đến gần 2000 tỉ USD/năm.

Theo luật, các công ty tại Mỹ không được quyền phân biệt đối xử dựa vào sắc tộc hay giới tính, mà chỉ được đưa ra quyết định thuê hay không thuê lao động dựa vào năng lực. Nhưng thực tế, dù người da màu chiếm 37% lực lượng lao động Mỹ, hơn 2/3 trong số họ vẫn chỉ có thể kiếm được những việc làm chân tay.

Chị Selena Maney, một người da màu nói: “Tôi đã nộp đơn cho rất nhiều nơi, nhưng chỉ xin được công việc bồi bàn dù tôi có bằng đại học loại giỏi. Tôi cảm thấy mình không được coi trọng bằng những bạn cùng khóa người da trắng”.

Anh Jairo Lerma bức xúc: “Các nhà tuyển dụng nhìn vào những bím tóc của tôi với vẻ coi thường, như tôi là một tên thất học. Dù tôi có đóng bộ vest một cách chuyên nghiệp”.

Và dù có được thuê, thì mức lương trung bình của người gốc Á, Phi hay Mỹ Latinh vẫn thấp hơn khoảng 10-20% so với người da trắng cùng làm một vị trí.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, những hành vi phân biệt chủng tộc như không thuê người da màu làm việc hay trả lương cho họ thấp hơn người da trắng đã khiến cho thu nhập và kéo theo đó là sức mua tiêu dùng của nhóm người này thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng. Hiện sức mua tiêu dùng của nhóm người da màu ở Mỹ là khoảng 4.000 tỉ USD/năm, nhưng con số này đáng lẽ có thể ở mức hơn 6.000 tỉ USD nếu như phân biệt chủng tộc không tồn tại.

Chưa kể đến việc thất thoát chất xám đối với các công ty, doanh nghiệp khi loại đi những hồ sơ hoàn toàn đủ năng lực và kinh nghiệm chỉ vì những định kiến màu da.

Bà Gail Christopher, Phó Giám đốc chiến lược, Tổ chức W.K.Kellogg nhận định: “Nhìn từ góc độ kinh tế, phân biệt chủng tộc còn tồn tại tức là chúng ta vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng lao động của đất nước. Chưa kể là những chi phí phúc lợi thất nghiệp Chính phủ phải trả cho những người hoàn toàn có khả năng lao động”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước