Ngừng việc tập thể: Vì đâu nên nỗi?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 03/03/2022 20:16 GMT+7

VTV.vn - Sau kỳ nghỉ Tết, 28 vụ ngừng việc tập thể đã xảy ra tại các tỉnh không phải là vùng trọng điểm kinh tế, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Ngừng việc tự phát khi mâu thuẫn kéo dài

Một cuộc ngừng việc tập thể do mâu thuẫn kéo dài đã xảy ra vào đầu tháng 2 vừa qua tại một doanh nghiệp ở tỉnh Nghệ An.

Lao động bắt đầu ngừng việc ở phân xưởng số 1, sau đó lan rộng ra cả nhà máy. Ban lãnh đạo công ty đã tổ chức đối thoại trực tiếp với đông đảo người lao động, nhưng không đạt kết quả.

"Mặt bằng lương chung của công ty trước đây thấp hơn của huyện nên công nhân đòi hỏi lương phải bằng của huyện. Sau khi sự việc xảy ra, công ty cũng tiếp thu ý kiến của người lao động", công nhân Nguyễn Thị Phương Hồng, Công ty TNHH Việt Glory, Nghệ An, chia sẻ.

Ngừng việc tập thể: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

4.500 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đã đi làm trở lại ngày 14/2. (Ảnh: TTXVN)

Sau 6 ngày với sự vào cuộc của công đoàn tỉnh và chính quyền cấp huyện, vụ ngừng việc mới dừng lại. Công ty cam kết tăng 6% lương cơ bản, bổ sung phụ cấp thâm niên kể từ ngày 1/, trong đó, mức hỗ trợ là 30.000 đồng/tháng đối với người thâm niên 1 năm và 210.000 đồng/tháng với người thâm niên 7 năm. Đặc biệt, những ngày công nhân ngừng việc từ 7 - 12/2, công ty sẽ tính theo chế độ nghỉ phép.

Theo lý giải của đại diện công ty, chính sách tiền lương của công ty thực hiện đúng quy định, còn phụ cấp tùy thuộc vào tình hình tài chính và phúc lợi của doanh nghiệp. Năm qua, công ty gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nên không đáp ứng hết các yêu cầu của người lao động dẫn tới vụ ngừng việc.

"Sự việc này để lại hậu quả về môi trường đầu tư và công ty hay công nhân đều bị ảnh hưởng, nhất là việc tiếp nhận các đơn hàng mới của công ty. Hiện tại đãi ngộ của công ty với người lao động đã cao hơn so với quy định của khu vực nên không ảnh hưởng lớn đến việc tuyển công nhân", ông Zahag Shih Yueh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Glory, Nghệ An, cho biết.

Mặc dù mọi việc đã được giải quyết, hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, nhưng mối quan hệ giữa người chủ sử dụng lao động và người lao động ít nhiều bị sứt mẻ.

Điều đáng nói, những mâu thuẫn đã tích tụ trong thời gian dài, nhưng công đoàn công ty cũng không biết.

Nguyên nhân chính gây ra ngừng việc tập thể

Dịch bệnh COVID-19 đã động rất lớn đến thị trường lao động. Thu nhập không tăng, thậm chí giảm ở một số doanh nghiệp dẫn đến quan hệ giữa chủ và thợ cũng trở nên căng thẳng. Sự khan hiếm lao động hiện nay và khả năng nhảy việc dễ dàng với đãi ngộ, thu nhập tốt hơn cũng góp phần thúc đẩy người lao động tham gia ngừng việc nhiều hơn.

Trên những tấm biển quảng cáo tuyển công nhân, mức lương thường được để khá cao từ 8 - 12 triệu đồng.

Thực tế, một người mới vào làm rất khó đạt được mức lương này. Ngay như những công ty đã xảy ra ngừng việc, lương và các phụ cấp sau đó có tăng, nhưng cũng không bằng các thông báo tuyển dụng.

Vấn đề này đã tồn tại từ lâu, nhưng tới thời điểm lao động bị thiếu hụt nhiều sau dịch bệnh càng trở nên phổ biến. Nhiều công ty tìm cách lôi kéo lao động bằng những hứa hẹn lương thưởng hấp dẫn, nhưng thực tế không được như vậy. Thậm chí khi không tuyển đủ, họ bắt lao động có sẵn phải tăng ca liên tục dẫn tới mâu thuẫn bùng phát.

"Nhiều vấn đề công nhân đã phản ánh, công đoàn cơ sở đã phản ánh, nhưng chủ doanh nghiệp, người sử dụng chưa tiếp thu để giải quyết triệt để ngay, hoặc đã tiếp thu nhưng đang hứa hẹn để xem xét...", ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, cho biết.

300 công nhân của Công ty TNHH Tiên Phong, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đồng loạt rời xưởng chỉ vì bị yêu cầu chia sẻ một phần chi phí xét nghiệm COVID-19 do công ty gặp nhiều khó khăn.

Sau khi các ban ngành cùng công đoàn cơ sở vào làm việc, đại diện công ty đã thống nhất không thu tiền xét nghiệm nhanh COVID-19 của công nhân. Hiện toàn bộ người lao động tại đây đã trở lại làm việc bình thường.

"Sự việc đã được xử lý, công ty chi trả toàn bộ tiền xét nghiệm nên công nhân đã chấp nhận đi làm trở lại", công nhân Đinh Hữu Luyện, Công ty TNHH Tiên Phong, Thái Bình, nói.

Một lý do khiến các vụ ngừng việc ngày càng lan rộng còn là sự quá khích của một số lao động. Trong vụ ngừng việc ở Công ty giày Adora, Ninh Bình, một công nhân đã đăng 2 bài viết trên trang cá nhân, với nội dung kêu gọi các công nhân khác nghỉ việc, mang mắm tôm đến công ty để gây áp lực cho lực lượng quản lý và ném vào những lao động đang đi làm. Người này đã bị cơ quan công an xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.

Tăng cường đối thoại để hạn chế ngừng việc tập thể

Có thể thấy, vai trò của công đoàn trong các nhà máy có đông công nhân là vô cùng quan trọng, kịp thời nắm bắt và giải quyết những mâu thuẫn từ khi nó nhen nhóm. Việc tăng cường đối thoại kịp thời là vô cùng quan trọng, ngoài ra cũng cần minh bạch thông tin để tạo sự đồng thuận, chia sẻ giữa người lao động và doanh nghiệp.

Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong vòng 6 tuần đầu năm 2022, cả nước đã xảy ra 28 cuộc ngừng việc tập thể tại 12 tỉnh, thành phố. Tuy vậy, con số này thực chất lại là thấp hơn. Như vậy, thực chất tình trạng ngừng việc tập thể không có biến động nhiều so với những năm trước, thậm chí giảm ở mức gần 20%.

"Các cuộc ngừng việc này cũng có một phần nguyên nhân do quá trình dịch bệnh. Tuy nhiên ở một số doanh nghiệp, quá trình đối thoại, thương lượng, sự liên kết đồng hành giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa được thực hiện tốt, quy chế dân chủ, đối thoại của người lao động không được duy trì thường xuyên", bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận định.

Ngừng việc tập thể: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng, nếu để tình trạng ngừng việc tập thể lan rộng sẽ gây nên những thiệt hại, hệ lụy tiêu cực đối với doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Trao đổi vấn đề này, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, mặc dù tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp, song nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người lao động chưa đồng tình với việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp; doanh nghiệp trả thưởng thấp hơn so với Tết 2021… Các chính sách, quyền lợi bị doanh nghiệp chậm điều chỉnh một phần cũng do tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.

"Cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng nắm bắt tình hình. Đối với vấn đề vi phạm về quyền, về quy định của pháp luật lao động phải xử lý theo kênh vi phạm pháp luật. Còn đối với vấn đề về lợi ích, về lương, thưởng, thì cơ quan quản lý nhà nước phải có giải pháp hỗ trợ để hai bên ngồi lại thương lượng với nhau", ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, nếu để tình trạng ngừng việc tập thể lan rộng sẽ gây nên những thiệt hại, hệ lụy tiêu cực đối với doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế. Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở cần phải thực hiện tốt hơn vai trò đối thoại, thương lượng tập thể, tránh để phát sinh mâu thuẫn kéo dài.

Ngày 16/2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; trong đó yêu cầu tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn; lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp và ngược lại, phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động.

Sau những biến cố từ đại dịch, nhiều người lao động và lãnh đạo các công ty đã nhận ra sự chia sẻ, đồng lòng và đoàn kết chính là thứ giúp họ tồn tại được đến thời điểm này. Bởi trong khó khăn, để có thể có được một việc làm ổn định là không hề dễ, để có công việc cho công nhân là không đơn giản. Nó đòi hỏi nỗ lực từ hai phía. Nơi người lao động gắn bó lâu dài chưa chắc đã phải là nơi trả mức lương cao nhất, mà là nơi có môi trường làm việc khiến họ được tôn trọng và an tâm, khi đó tình trạng ngưng việc tập thể sẽ hạn chế được phần nào.

Hàng nghìn công nhân ở một số địa phương trở lại làm việc sau nhiều ngày ngừng việc Hàng nghìn công nhân ở một số địa phương trở lại làm việc sau nhiều ngày ngừng việc

VTV.vn - Hơn 500 công nhân Công ty DaeYun và khoảng 800 công nhân ở KCN Sóng Thần 2 đã quay trở lại làm việc sau nhiều ngày ngừng việc tập thể.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước