Trong những năm gần đây, TP.HCM đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để mở rộng và nâng cấp nhiều tuyến đường quan trọng. Tín hiệu những người tham gia giao thông có thể nhìn thấy rõ nhất là nhiều điểm ùn tắc giao thông đang dần được xóa bỏ. Đường đã thoáng hơn, nhưng vẫn chưa đẹp, bởi thực tế sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, băm nát diện mạo đô thị lại xuất hiện.
Sau khi bàn giao đất thi công dự án mở rộng cầu, diện tích đất của chị Vân (quận Gò Vấp, TP.HCM) chỉ còn lại 4m2. Chỗ đất vừa mỏng, lại méo, ở không được, muốn bán cũng không ai mua, chị chỉ còn biết cải tạo lại cho giống hình ngôi nhà và bán nước giải khát.
Một căn nhà siêu mỏng trên đường phố TP.HCM.
Đường càng rộng, đất mặt tiền lại càng có giá trị. Ngôi nhà 7m2 là chỗ làm, kiêm chỗ ở của anh Hải (quận Gò Vấp, TP.HCM). Kể từ khi Đại lộ Phạm Văn Đồng được nâng cấp thành đường rộng gần 40m, hàng trăm ngôi nhà siêu mỏng cũng xuất hiện theo.
"Mình thấy bình thường thôi, đủ sống hàng ngày, ăn cơm 3 bữa, ngủ bình thường", anh Trần Văn Hải bày tỏ.
Theo TS. Võ Kim Cương, nhà siêu mỏng xuất hiện bởi giá trị của những miếng đất mặt tiền quá lớn. Thiếu đồng bộ giữa quy hoạch kiến trúc và quy hoạch giao thông, nhưng then chốt là do công tác quản lý bị buông lỏng, bởi Luật Xây dựng từ lâu đã có hướng dẫn rất rõ vấn đề này.
Phía sau những con đường rộng, đẹp là hàng loạt căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ.
"Quy định xây dựng nền đất tối thiểu 40m2, bề rộng mặt tiền tối thiểu 3m. Do nhiều cái mình chấp hành không nghiêm nên mới xảy ra chuyện đó. Bây giờ nhà nước không bồi thường, thu hồi đất nhỏ thì người dân chơi vơi thôi", TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho hay.
Từ trước đến nay, Nhà nước chỉ giải tỏa và đền bù phần đất đúng với chỉ giới đường, phần còn lại dù chỉ vài mét vuông cũng không đền bù. Do đó, các đơn vị chức năng phải tìm đủ mọi cách để giải quyết nhà siêu mỏng.
"Luật đã có rồi nên Nhà nước phải bồi thường cho người dân ở những diện tích đất không đủ tiêu chuẩn, để có thể hợp khối với các nhà khác hoặc sử dụng thành mục đích công cộng", TS. Võ Kim Cương nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!