So với 2 tuần trước, lượng xe ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới hiện đã giảm khá nhiều. Tuy đã có những tín hiệu tích cực, nhưng theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với chính sách "không COVID-19" của Trung Quốc, việc xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu sẽ vẫn còn nhiều khó khăn.
Hiện vận chuyển bằng đường biển cũng đang chịu sự kiểm soát rất gắt gao về dịch bệnh COVID-19 ở cả hàng hóa và bao bì nên thông quan tại các cảng cũng sẽ chậm lại. Lúc này, Giải pháp tăng cường chế biến từ các nhà máy trong nước sẽ là cơ sở quan trọng để tiêu thụ một số loại nông sản đang tồn đọng tại cửa khẩu và đang vào vụ thu hoạch.
Xe chở xoài của Đồng Tháp sau 20 ngày nằm trên cửa khẩu mà không có kết quả đã quay đầu và có mặt tại nhà máy chế biến ở Ninh Bình. Doanh nghiệp chế biến sẽ tiến hành kiểm tra dư lượng, màu sắc và độ ngọt.
Qua kiểm tra, những container nằm chờ trên dưới 20 ngày vẫn đảm bảo chất lượng để chế biến. Đây là cơ sở để mỗi ngày số xe về nhà máy tăng dần.
Hiện nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học đã nghiên cứu đưa thanh long vào làm rượu, sấy dẻo, bánh mì, bún và mới đây nhất là mì tôm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Anh Phạm Hùng Phương, chủ xe nông sản Đồng Tháp, cho biết: "Giải pháp này giúp bà con nhiều, giải cứu giúp bọn em đỡ phần nào không phải nằm trên cửa khẩu, bởi không biết bao giờ mới mở biên".
"Theo hợp đồng đã ký với bạn hàng châu Âu, lượng xoài về đây hàng ngày lên hàng trăm tấn, nhưng với công suất của nhà máy, với đơn hàng đó, chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được và có thể hơn thế cũng không vấn đề gì", ông Đinh Anh Đức, Giám đốc nhà máy chế biến Doveco Ninh Bình, nhận định.
Theo doanh nghiệp, xoài từ cửa khẩu sẽ được chế biến thành 2 sản phẩm là xoài đông lạnh cắt miếng và xoài pure để xuất khẩu vào Nhật Bản và châu Âu. Hướng đi này cũng đang đặt ra với sản phẩm thanh long khi hiện còn 300.000 tấn cần tiêu thụ. Trong điều kiện thời gian bảo quản ngắn, để hỗ trợ nông dân tiêu thụ, hiện nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học đã nghiên cứu đưa thanh long vào làm rượu, sấy dẻo, bánh mì, bún và mới đây nhất là mì tôm.
"Chúng ta phải chuyển đổi tư duy, không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường mà phải đa dạng thị trường", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cũng đã lên danh sách 237 doanh nghiệp, cơ sở chế biến rau quả tại 22 tỉnh và đề nghị các tỉnh cần tăng cường phối hợp kết nối thông tin gắn với các vùng trồng rau quả trọng điểm. Đây là cơ sở để thúc đẩy nhanh việc thu hút các doanh nghiệp, hiệp hội nghiên cứu đầu tư xây dựng các cụm liên kết logistics nông sản để sơ chế, chế biến, hệ thống kho lạnh bảo quản nhằm phân loại, đảm bảo chất lượng nông sản để chủ động hơn trong quá trình tiêu thụ, xuất khẩu.
Nông sản chờ thị trường nội địa VTV.vn - Thị trường trong nước bước vào mùa mua sắm cuối năm được xem là cơ hội để nông sản khó xuất khẩu có thể được tiêu thụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!