Nghịch lý thị trường rau mùa nắng hạn
Nắng hạn kéo dài trong mấy tháng qua ở Tây Nguyên đã làm tăng thêm gánh nặng chi phí đối với nhà nông. Chẳng hạn như ở Lâm Đồng - vùng chuyên canh rau lớn của khu vực. Để duy trì canh tác, nhiều nông dân buộc phải khoan giếng, bơm tưới, vừa tốn công vừa tốn của. Thế nhưng giá rau trong mùa nắng lại liên tục ở mức thấp, không tương xứng so với chi phí đầu tư. Có thể nói, mùa nắng hạn thêm một lần nữa cho thấy một thực tế dai dẳng trên thị trường rau - đó là tính bấp bênh của mặt hàng nông sản khá đặc thù là rau xanh.
Một ngày không có nước tưới thì không thể trồng rau. Bà Nguyễn Thị Thái Hiền - huyện Đơn Dương, Lâm Đồng kéo những đường ống dẫn nước từ chỗ có giếng khoan đến thửa đất canh tác. Tiền khoan giếng, tiền đầu tư ống nước, tiền điện để bơm tưới, mỗi khâu mỗi tốn, nhưng không thể không chi tiền ra. Không ai đành lòng bỏ đất hoang.
Bà Hiền cho biết: "Có giếng rồi nhưng bị mất nước nên phải khoan lại".
Khó khăn và tốn kém, tưởng như những lứa rau thu hoạch trong mùa nắng hạn sẽ được giá bán. Nhưng, thực tế thì ngược lại. Mùa nắng, sản lượng rau thường nhiều hơn mùa mưa mà cứ hễ nhiều rau thì giá lại hạ thấp.
Nhà vườn này thu hoạch lứa hành sau 2 tháng trồng. Giá chỉ 2.000 đồng/ kg. Trong khi theo tính toán, ít nhất 3.000 đồng/ kg mới không lỗ vốn.
Ông Lầu A Táo - Huyện Đơn Dương, Lâm Đồng chia sẻ: "Chi phí rất nhiều như thuốc, phân, thuê người nhổ cỏ. Nếu hành được giá thì mình có lời, hành không được giá thì mình lỗ".
Chi phí cao, không có nghĩa rau làm ra sẽ được giá bán. Đó là thực tế lâu nay mà những nông dân trồng rau ở tỉnh Lâm Đồng buộc phải chấp nhận. Giá rau cao hay thấp phụ thuộc vào các đầu mối tiêu thụ. Còn các đầu mối tiêu thụ dựa theo sức tiêu thụ nhanh hay chậm, mạnh hay yếu trên thị trường mà đưa ra mức giá thu mua rau của nông dân. Đặc biệt, đối với các loại rau ăn lá, đòi hỏi phải tiêu thụ ngay, giá lại càng bấp bênh.
Bà Bùi Thị Phấn - Xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng cho biết thêm, có lúc giá lên đến 20.000 đồng, có lúc chỉ 2.000 – 3.000 đồng. Khi bán rau ở Thành phố, họ trả giá sao thì người nông dân biết vậy.
Bà Trần Thị Đào - Xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng tâm sự, giá rau rất bấp bênh, hôm trước giá có thể là 8.000 – 10.000 đồng nhưng hôm sau lại hạ xuống 5.000 đồng.
Lâm Đồng là vùng trồng rau lớn nhất nước, cung ứng ra thị trường mỗi năm gần 3 triệu tấn rau. Ở thị trường nội địa, cả sức tiêu thụ lẫn giá bán, mặt hàng rau Lâm Đồng thường xuyên chịu cảnh bấp bênh. Diện tích và sản lượng rau canh tác trong chuỗi liên kết tiêu thụ chỉ mới chiếm một phần nhỏ. Cũng vì vậy, mùa nắng hạn, dẫu canh tác khó khăn, tốn kém, nhiều nông dân cũng phải chấp nhận giá rau lúc cao, lúc thấp, cầm cự sản xuất theo kiểu: lấy lứa rau này bù cho lứa rau khác.
Với hai ruộng rau liền kề, nếu hôm nay, ruộng rau này thu hoạch gặp cảnh rớt giá thì ruộng rau bên cạnh vẫn tiếp tục trồng lứa rau mới.
Đã đến lúc, những nông dân trồng rau phải chấm dứt chuyện sản xuất và bán ra thị trường theo kiểu "mớ rau, con cá"
Xuất khẩu rau ăn lá từ khẳng định chất lượng
Cách nào để gỡ khó cho thị trường rau xanh? Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc, những nông dân trồng rau phải chấm dứt chuyện sản xuất và bán ra thị trường theo kiểu "mớ rau, con cá". Rau làm ra phải đáp ứng yêu cầu từ phía thị trường, cả về sản lượng cũng như chất lượng, khi ấy giá cả mới thực sự tương xứng. Nhờ khẳng định chất lượng mà ở tỉnh Lâm Đồng, đã có những trang trại xuất khẩu mặt hàng rau ăn lá.
Một trong những trang trại trồng rau ăn lá có tiếng ở Lâm Đồng. Ngoại trừ lúc thu hoạch, còn lại, những nhà kính này thường xuyên vắng người. Quy trình canh tác được thực hiện tự động. Hệ thống cảm biến lắp đặt trong từng nhà kính. Chỉ nhìn vào màn hình này, dễ dàng biết được hiện trạng của từng khu vườn. Nhiệt độ, độ ẩm là bao nhiêu. Tương ứng với đó, hệ thống điều khiển sẽ quyết định việc tưới nước, bón phân.
Rau xà lách trồng theo phương pháp thủy canh, hơn nữa lại được kiểm soát chặt chẽ và khoa học quy trình canh tác. Chính điều này quyết định đến chất lượng rau khi thu hoạch.
Anh Nguyễn Kim Long - Phụ trách công nghệ thông tin, Langbiang Farm, Lâm Đồng chia sẻ: "Cảm biến nhiệt độ bề mặt lá, độ ẩm, nhiệt độ không khí, dựa trên những yếu tố này mình tính toán, tạo ra điều kiện tối ưu cho cây trồng".
Langbiang Farm là một trong những trang trại đầu tiên ở Lâm Đồng xuất khẩu rau ăn lá. Khác với các dòng rau khác, những loại rau ăn lá như xà lách, để xuất khẩu được, đòi hỏi việc bảo quản, vận chuyển hết sức nghiêm ngặt. Nhưng tiên quyết vẫn là chất lượng rau phải đảm bảo các tiêu chuẩn từ phía thị trường nhập khẩu.
Ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Trang trại Langbiang Farm nêu ý kiến: "Bỏ quan niệm mớ rau con cá, đã là sản phẩm nông nghiệp thì phải có tiêu chuẩn, chất lượng, bao bì, nhãn mác, phải được kiểm định… Và để làm được chất lượng, không gì khác đầu tiên xuất phát từ nhu cầu khách hàng".
Thay đổi tư duy từ lối canh tác theo kiểu "mớ rau, con cá" sang cách sản xuất những mặt hàng mà thị trường cần, nên năm 2023, trang trại này xuất khẩu được 1.100 tấn rau xà lách sang thị trường Hàn Quốc. Mở rộng thị trường xuất khẩu rau là hướng đi trong năm nay của trang trại bởi những nước như Nhật Bản, Singapore vẫn còn nhiều dư địa trên thị trường rau.
Năm 2023, xuất khẩu rau ở Lâm Đồng tăng cả lượng và giá trị. Kim ngạch xuất khẩu rau lên đến 74 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng nhận định: "Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm rau, đó là vấn đề sống còn của ngành nông nghiệp. Thứ hai, chúng ta phải tạo ra vùng sản xuất lớn, bằng cách xây dựng liên kết sản xuất".
Khai thác cơ hội xuất khẩu rau sẽ giúp nông dân gắn với nghề trồng rau vốn là lợi thế ở Lâm Đồng. Và để làm được, mấu chốt vẫn là định hình các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để giải quyết nút thắt đầu tiên là chất lượng rau xuất khẩu.
Tính trên cả nước, đến hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Nhiều dự báo cho thấy, năm nay, ngành rau quả Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu và điều này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra nếu rau quả không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Nói cách khác, chất lượng vẫn là điều mấu chốt để nông sản vượt qua những khó khăn trên thị trường trong nước cũng như các thị trường xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!