Nghị quyết 33 - “Khơi thông” thị trường bất động sản

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 25/03/2023 06:40 GMT+7

VTV.vn - Với Nghị quyết 33 được ban hành, hai nút thắt chính của thị trường bất động sản là vướng mắc pháp lý và nghẽn dòng tiền sẽ dần được tháo gỡ.

Thị trường bất động sản có tín hiệu hồi phục

Vào nửa đầu tháng 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33, về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đánh giá của giới quan sát, hai nút thắt chính của thị trường là vướng mắc pháp lý và nghẽn dòng tiền sẽ dần được tháo gỡ từ Nghị quyết quan trọng này.

Đặc biệt khi Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro với các phân khúc bất động sản. Các ngân hàng thương mại có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường. Chỉ vài tuần sau khi Nghị quyết 33 được ban hành, ghi nhận trên thị trường cho thấy, bất động sản đã có những tín hiệu hồi phục.

Hơn 1 tuần qua, anh Hoàng Đình Khiêm - chủ một sàn giao dịch bất động sản, đã bắt đầu bận rộn trở lại. Dù bận, nhưng anh không giấu được sự vui mừng, khi chỉ trong vòng 1 tuần qua, sàn của anh đã bán được hơn chục căn hộ chung cư.

Anh Hoàng Đình Khiêm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstar Land cho hay: "Với Nghị quyết 33 của Chính phủ tôi thấy thị trường có dấu hiệu hồi phục hơn. Những sản phẩm ở như là chung cư có giá trị thật sự về ở luôn luôn có lượng khách quan tâm rất nhiều".

Nghị quyết 33 - “Khơi thông” thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Chỉ vài tuần sau khi Nghị quyết 33 được ban hành, ghi nhận trên thị trường cho thấy, bất động sản đã có những tín hiệu hồi phục. Ảnh minh họa.

Khảo sát từ một số sàn giao dịch tại khu vực Hà Nội cho thấy, nhà chung cư, nhà thổ cư trong ngõ có thể ở ngay đã giảm trung bình 200 - 400 triệu đồng/1 căn so với cuối năm ngoái. Còn giá nhà tại các dự án giảm trung bình từ 15 - 30%, cộng thêm nhiều chương trình ưu đãi, tặng quà.

Một số dự án mới cũng đã rục rịch mở lại các hoạt động bán hàng, đẩy nhanh tiến độ. Vì vậy, những người có sẵn tiền đã quyết định mua.

Mặt khác, gói vay mua nhà hay bất động sản của một số ngân đều đã hạ nhiệt, dù chưa thật sự lớn, với mức giảm từ 0,2 - 0,5%/năm.

"Nghị quyết 33 của Chính phủ ban hành đúng thời điểm và rất hữu ích cho thị trường. Chúng tôi vẫn duy trì đánh giá tích cực về tiềm năng của thị trường Việt Nam. Các yếu tố nền tảng rất tốt, đặc biệt về nhân khẩu học, tốc độ đô thị hóa cũng như tăng trưởng thu nhập bình quân. Các yếu tố ấy vô hình chung sẽ tạo ra lượng cầu lớn trong lĩnh vực nhà ở. Khả năng hồi phục của thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm việc tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn, sản phẩm phù hợp", ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá.

Còn tại các địa phương như tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, có vị trí kề cận ngay Hà Nội, là điểm nóng của giới đầu tư bất động sản thời gian qua, với hơn 50 dự án đang triển khai, hiện đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, về pháp lý cho các dự án dở dang, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 33.

Ông Nguyễn Văn Thược - Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi tạo điều kiện hết mức về công tác tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ, gắn với việc cải cách hành chính....".

Trong các tháng qua, để tự vượt qua khó khăn, một số doanh nghiệp đã tìm đến giải pháp tìm kiếm đối tác để tiến hành các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), bằng cách bán lại một phần hoặc toàn bộ dự án, để thu tiền về, xử lý các khó khăn.

Theo đánh giá của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản sẽ hồi phục mạnh hơn từ cuối năm nay, khi các vấn đề pháp lý quan trọng được tháo gỡ và lãi suất cho vay ở mức hợp lý hơn.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khơi thông vốn cho thị trường bất động sản

Trong Nghị quyết 33, vấn đề vốn để phát triển nhà ở xã hội đặc biệt được quan tâm, với đề xuất triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng. Theo dự kiến, gói này ban đầu sẽ thực hiện từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với cho vay thông thường. Nếu triển khai thành công, gói này được kỳ vọng sẽ là cú hích, giúp cung và cầu bất động sản gặp nhau.

Gói 120.000 tỷ đồng theo tính toán sẽ tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nguồn vốn này sẽ dành cho vay cả người xây dựng và người mua nhà. Ngoài 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, một số ngân hàng thương mại khác cũng tỏ ý quan tâm nếu có những hướng dẫn rõ ràng về đối tượng, cách thức triển khai.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết: "Tôi nghĩ các điều kiện không cần khác biệt nhiều. Chúng ta cần xác định cụ thể đối tượng nào được tiếp cận, nguồn thu nhập định kỳ của họ, mức lãi suất ưu đãi thế nào để thu nhập của họ có thể trang trải được".

Nghị quyết 33 - “Khơi thông” thị trường bất động sản - Ảnh 2.

Hiện nay, thị trường đang rất mong chờ những thông tin mới nhất về gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

"Trước mắt do 4 ngân hàng thương mại sở hữu nhà nước triển khai và sau này có thể mở rộng thêm. Ngân hàng Nhà nước cũng cần phối hợp với Bộ Xây dựng để hướng dẫn triển khai thực hiện càng sớm càng tốt", ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng muốn giải ngân được gói tín dụng này cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Bởi hiện nay, theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nguồn cung nhà ở bình dân 2 năm gần đây không có dự án mới được mở bán, căn hộ có mức giá dưới 20 triệu đồng một m2 cũng khan hiếm.

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam thông tin: "Dự án cho nhà ở xã hội rất ít, vì vậy tác động thực tế của gói 120.000 tỷ đồng đến lĩnh vực bất động sản nói chung liệu có lớn hay không chúng ta cần nghiên cứu và cân nhắc. Thậm chí, cần cân nhắc bên cạnh nhà ở xã hội nên hỗ trợ nhà ở trung và thấp cấp nữa".

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định cần hạ thêm mặt bằng lãi suất hơn nữa mới kích thích được những người có nhu cầu ở thực vay mua nhà. Vì mức lãi suất cho vay các ngân hàng thương mại đang áp dụng trên dưới 13%/năm, nên dù có được giảm 1,5 - 2% vẫn tương đối cao với thu nhập của nhiều công nhân, người lao động.

Hiện nay, thị trường đang rất mong chờ những thông tin mới nhất về gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Bởi nếu các dự án nhà ở xã hội được triển khai, tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân, theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 33, sức nóng của phân khúc này sẽ lan toả khắp thị trường chung. Điều này giúp thị trường nhà ở phát triển bền vững, hướng tới nhu cầu ở thực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước