Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI trong tháng 10 tăng lên 51,2 điểm. Ngành sản xuất Việt Nam khởi sắc. Đây là nhận định trong báo cáo cập nhật của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global mới công bố. Qua đó cho thấy khả năng tăng trưởng của các ngành sản xuất trong thời gian tới
Ngay sau khi hoàn thành đơn hàng cả năm nay cung cấp 50.000 chiếc quạt gió xe ô tô cho đối tác Hoa Kỳ, doanh nghiệp này đang chuyển đổi sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới với sản lượng tăng gấp 10 lần.
Ông Dương Nguyên Thành - Phó Chủ tịch Tập đoàn Giza Group cho biết: “Chúng tôi đã chủ động hợp tác với các đối tác để nghiên cứu được công nghệ lõi của động cơ, điều khiển, công nghệ về thiết kế vật liệu. Chính vì thế, chúng tôi có khả năng đáp ứng được yêu cầu phức tạp hơn và sản lượng lớn hơn”.
Theo dữ liệu PMI của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global, Việt Nam đạt 51,2 điểm, tăng đáng kể so với mức 47,3 điểm của tháng 9, cho thấy sự mở rộng ngành sản xuất, sự tăng trưởng trở lại của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương nhận định: “Các doanh nghiệp đã và đang tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTA, đặc biệt là thị trường đối tác lớn thương mại. Chẳng hạn như xuất khẩu sang Mỹ tăng 27%, trong khi cùng kỳ giảm 17,6%. Đối với EU tăng tới 17% trong khi cùng kỳ giảm 8,9%”.
Dù có tín hiệu khả quan, nhưng theo dự báo của các tổ chức quốc tế, nhu cầu quốc tế vẫn chưa thực sự phục hồi, cùng với các chi phí đầu vào sản xuất sẽ tăng, trong khi giá bán vẫn phải duy trì để cạnh tranh. Đây sẽ là lực cản không nhỏ đối với đà sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới.
Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu nhận định: “Các doanh nghiệp cần thận trọng với diễn biến thị trường do các yếu tố địa chính trị, chi phí logistics, vận tải hoặc chi phí đầu vào tăng do yếu tố lạm phát toàn cầu tác động đến giá thành nguyên, vật liệu. Những thách thức này tác động không nhỏ đến việc đầu tư mới hoặc năng lực, tốc độ xoay vòng vốn của doanh nghiệp”.
Theo Ngân hàng Thế giới, ngành sản xuất Việt Nam luôn có sự phục hồi tốt sau các biến động, nhưng quan trọng hơn là cần duy trì đà tăng trưởng bền vững và trên diện rộng của khối sản xuất trong nước. Đây là điều kiện để thích ứng tốt hơn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!