Báo Công Thương dẫn thống kê, năm 2019, xe nhập về Việt Nam tăng tới 70% so với 2018 cho thấy chúng ta vẫn đang là thị trường xuất khẩu ô tô béo bở thế nào với các nước trong khu vực. Có thể thấy, ngành ô tô nội địa còn nhiều hạn chế vì tỷ lệ nội địa hóa thấp, các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển… vẫn phải đi nhập. Bộ Công Thương đang kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm sửa quy định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với phần sản xuất trong nước.
Ngoài ra, trong Dự thảo Nghị quyết thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, Bộ này cũng đang xin ý kiến về giảm thuế nhập khẩu động cơ, hộp số về 0%. Chính sách thuế linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp trong nước hạ giá thành sản phẩm và có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với xe nhập khẩu.
Thời báo kinh doanh dẫn nhận xét của Trưởng đại diện Cục xúc tiến thương mại và đầu tư CHLB Đức tại Việt Nam: Người tiêu dùng Đức rất thích tôm, cá và vải thiều của Việt Nam. Không những "vừa miệng", nông sản Việt cũng sắp "vừa tiền" hơn với người tiêu dùng EU khi Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA dự kiến đi vào thực thi trong tháng 7 tới sẽ giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt được hưởng ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, vẫn còn một rào cản lớn mang tên tiêu chuẩn kỹ thuật cần phải chinh phục trước khi nông sản Việt có chỗ đứng tại thị trường châu Âu. Việc xuất khẩu quen vào thị trường truyền thống như Trung Quốc với yêu cầu tiêu chuẩn kĩ thuật thấp hơn EU vô hình chung khiến doanh nghiệp Việt khá vất vả khi phải thay đổi. Thời báo Kinh doanh dẫn ví von của Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: "Một chiếc xe đang chạy băng băng trên 1 con đường thì việc bẻ cua gấp là không thể, chỉ có thể là bẻ cua từ từ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!