Trong khi đó, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng lên kế hoạch loại bỏ dần năng lượng Nga khỏi nguồn cung của mình.
Nga đã có sự chuẩn bị cho điều này, ngay cả khi các lệnh trừng phạt đưa ra trước đó chưa đánh trực tiếp vào xuất khẩu năng lượng Nga, nhưng có khả năng làm suy yếu nhu cầu về dầu và khí đốt.
Dầu Nga hiện đang đóng góp khoảng 10% nguồn cung toàn cầu và châu Âu là thị trường lớn nhất với hơn 50% xuất khẩu.
Theo giới phân tích, việc ngừng cung cấp nguồn năng lượng cho châu Âu là vô cùng bất lợi đối với Nga, bởi có đến 40% nguồn thu ngân sách liên bang - ở trạng thái bình thường, trước khi có các lệnh trừng phạt - là từ lĩnh vực dầu khí.
Công nhân tại nhà máy xử lý khí đốt Yuzhno-Priobsky ở Khanty-Mansiysk, miền Tây Siberia, Nga. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, việc từ chối dầu Nga cũng sẽ dẫn đến hậu quả khó lường với Mỹ, EU và cả thị trường thế giới. Một cuộc khủng hoảng năng lượng là có thể và giá dầu tăng khó đoán trước - 300 USD/thùng hoặc hơn. Đó là hiệu ứng boomerang không dễ chịu đối với cả hai bên.
Triển vọng của ngành năng lượng Nga
Kế hoạch của EU nhằm cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và tiến đến chấm dứt phụ thuộc hoàn toàn vào năm 2030 sẽ không dễ thực hiện. Bởi nhiều quốc gia như Đức đang nhập khẩu tới 65% khí đốt từ Nga và chưa thể có nguồn cung thay thế trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nếu điều này thực sự xảy ra, Nga sẽ mất đi một khách hàng quan trọng, với khối lượng nhập khẩu lớn.
Châu Âu vẫn là thị trường chính của năng lượng Nga, nhưng trong bối cảnh này, trước các biện pháp trừng phạt nặng nề từ Mỹ và Phương Tây, người ta đã nhìn thấy sự dịch chuyển của các dòng năng lượng Nga về phía Đông.
Mới đây, Nga đã công bố thỏa thuận dầu và khí đốt mới với Trung Quốc trị giá hơn 117 tỷ USD trong vòng 30 năm.
Trong khi số phận Dòng chảy phương Bắc 2 đến châu Âu đang mù mịt, Nga sẽ tăng tốc mở rộng đường ống Sức mạnh Siberia-2 để đưa nhiên liệu đến Mông Cổ và Trung Quốc.
Ngoài ra, Nga hiện có kế hoạch tham gia xây dựng đường ống Dòng chảy Pakistan - một dự án được cho là sẽ làm tăng nhu cầu về khí đốt ở quốc gia Nam Á này.
Tuy nhiên, trong dài hạn, ngành dầu mỏ của Nga cũng đã phải đặt ra các kịch bản có tính đến yếu tố trong thời đại chuyển đổi năng lượng để hoạch địch chiến lược kinh tế và ngân sách đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!