Ngăn sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 18/07/2024 21:30 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng, hay sự thao túng của các cổ đông có tỷ lệ cổ phần chi phối trong ngân hàng, hay cho vay sân sau, sẽ được ngăn ngừa.

Tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng, hay sự thao túng của các cổ đông có tỷ lệ cổ phần chi phối trong ngân hàng, hay cho vay sân sau, sẽ được ngăn ngừa. Nhất là khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi đã có hiệu lực từ tháng 7 năm nay. Đây cũng là hành lang pháp lý quan trọng nhằm đảm bảo sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng, thống nhất với các luật có liên quan.

Theo Luật các Tổ chức tín dụng vừa được sửa đổi thì cổ đông tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ, giảm từ mức 15% hiện hành. Tổng mức cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm dần từ mức tối đa là 15% vốn điều lệ như hiện nay, theo lộ trình 5 năm, sẽ giảm xuống còn 10%. Cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên phải thực hiện cung cấp đẩy đủ thông tin. Những quy định mới này đều hướng tới sự đảm bảo an toàn hoạt động, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và Bất động sản Toàn cầu cho biết: "Bây giờ, nếu một cá nhân sở hữu từ 1% trở lên đã phải khai báo tất cả thông tin về cá nhân để Ngân hàng Nhà nước biết rằng cá nhân đó có liên quan thế nào với các cá nhân khác ở trong cùng một tổ chức tín dụng và quan hệ của cá nhân đó trong nền kinh tế như thế nào".

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội chia sẻ: "Làm sâu hơn để kiểm soát việc cá nhân hoặc một số đơn vị tìm cách thao túng một ngân hàng thương mại. Bởi vì họ muốn thao túng để thực hiện theo mục tiêu riêng của họ, nhất là trong vấn đề cấp tín dụng".

Từ nay đến năm 2029, việc giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông và giới hạn cấp tín dụng sẽ phải được các tổ chức tín dụng hoàn tất. Tức là các ngân hàng, cổ đông sẽ có khoảng 5 năm để thực thi theo luật định.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: "Ngân hàng có vấn đề cần phải can thiệp sớm thì quy trình, thủ tục phải rõ ràng hơn. Tránh như trước đây, trước đây có nhiều quy trình thủ tục thẩm quyền chưa rõ, cho nên sẽ có lúng túng và rủi ro trong thực hiện".

Tuy đã được cho là siết chặt hơn, minh bạch hơn, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng: vẫn phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động quản trị ngân hàng. Bởi đường đi của dòng tiền và sự lắt léo của nó, cùng hệ sinh thái sân sau mà nhiều ngân hàng đã từng áp dụng nếu buông lỏng sẽ gây ra những hệ lụy nguy hại đến sự an toàn, an ninh tiền tệ quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước