Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19

VTV Digital-Thứ hai, ngày 05/04/2021 09:12 GMT+7

VTV.vn - Theo thông tư mới do NHNN ban hành, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (ngày 2/4/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (ngày 13/3/2020) về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các khoản nợ được cơ cấu lại thời gian trả nợ phải có số dư phát sinh trước ngày 10/6/2020 và phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Khách hàng có nghĩa vụ trả cả gốc lẫn lãi trong thời gian từ tháng 1/2020 đến hết năm nay.

Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Các ngân hàng sẽ phải trích lập đầy đủ các khoản nợ đã cơ cấu lại đến cuối năm 2023. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Các ngân hàng đánh giá khách hàng không có khả năng trả đúng hạn nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận, do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời, khách hàng cũng có thể đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và ngân hàng sẽ đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ theo thời hạn được cơ cấu.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện đến ngày 31/12/2021. Các ngân hàng sẽ phải trích lập đầy đủ các khoản nợ đã cơ cấu lại đến cuối năm 2023.

Thông tư mới cũng quy định rõ việc các ngân hàng được quyết định miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng mà khách hàng phải trả trong 2 năm 2020 - 2021 nhưng không có khả năng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng cũng được thực hiện đến hết năm nay.

Tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 đối với số dư của khoản nợ phát sinh thuộc diện được cơ cấu lại, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 - 29/3/2020.

Ngoài ra, ngân hàng cũng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại với số dư nợ được cơ cấu lại của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 10/6/2020…

Đáng chú ý, Thông tư sửa đổi lần này bổ sung quy định, các ngân hàng phải trích lập số tiền dự phòng cụ thể đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ đối với phần nợ được giữ nguyên nhóm nợ và kết quả phân loại nợ đối với dư nợ còn lại của khách hàng.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng sẽ phải xác định số tiền dự phòng phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ nhưng không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ. Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, các ngân hàng sẽ phải thực hiện theo lộ trình trong 3 năm và đến cuối năm 2023 phải trích đầy đủ 100%. 

Kể từ 1/1/2024, các tổ chức tín dụng căn cứ quy định của Ngân hàng Nhà nước để phân loại đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư.

Thông tư số 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 17/5/2021.

Ngân hàng liên tiếp giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó Ngân hàng liên tiếp giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

VTV.vn - Việc liên tiếp giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất kinh doanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước