Điều này đang khiến các ngân hàng lo ngại việc bán, phát mại tài sản để thu hồi nợ sẽ ngày càng gặp khó.
Những vật dụng để nuôi gà, nuôi lợn tưởng như chỉ thấy tại các trang trại, đã có mặt trong toà nhà cao 10 tầng tại số 5 Điện Biên Phủ, Hà Nội đã gần 5 năm qua. Toà nhà này là tài sản thế chấp của công ty ATS tương ứng với khoản vay ngân hàng khoảng 900 tỷ đồng. Trải qua hàng chục lần hoà giải, quá trình tố tụng, xử án tại toà sau 4 năm mới bàn giao xong tài sản.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp gặp vướng mắc kéo dài khi xử lý tài sản đảm bảo của bên vay ngân hàng qua hình thức thi hành án. 90% nợ xấu hiện nay đang nằm trong tài sản đảm bảo. Theo các ngân hàng, nếu chỉ xử lý qua thi hành án, người vay thường có tìm cách để kéo dài thời gian, tiêu tốn rất nhiều nguồn lực.
"Né tránh không lên toà, chuyển đổi trụ sở, gây ra thêm những tranh chấp mới, lôi kéo thêm những người mới vào. Cuối cùng là tiền nợ gốc không trả, lãi không trả, tài sản bảo đảm vẫn đang sử dụng. Sau 2, 3 năm gần như thất thoát rất lớn nếu như ta chỉ dựa vào toà án và thi hành án" - ông Thiệu Ánh Dương, Tổng Giám đốc AMC Techcombank cho biết.
Tốn kém như vậy, nhưng từ 1/1/2017, xử lý tài sản đảm bảo qua toà án sẽ là phương thức duy nhất các ngân hàng được dùng khi bên đi vay không đồng ý giao tài sản. Đây là điểm mới trong Luật Dân sự 2015. Điều này khiến các quy định cho ngân hàng quyền thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo không còn hiệu lực.
Trong 4 năm qua, việc xử lý tài sản đảm bảo chỉ đạt khoảng 14.000 tỷ trên tổng số gần 500.000 tỷ, tức là chỉ đạt khoảng 2,8%. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, cần sớm có Luật chuyên ngành về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!