Một nhóm công ty chế tạo hệ thống trí tuệ nhân tạo cho các phương tiện vận tải không người lái Cognitive Technologies đã kết hợp với trường Đại học Liên bang Ural (Liên bang Nga) khởi động chương trình quốc tế tự động hóa nông nghiệp. Chương trình được xây dựng cho đến năm 2022, tại Nga, Brazil và Argentina.
Máy kéo và máy gặt đập liên hợp không người lái đã được thử nghiệm trên những cánh đồng Nga từ cuối năm 2016, khởi đầu cho một loạt máy nông nghiệp tự động hóa đang và sẽ được sản xuất tại Nga.
Trong khuôn khổ chương trình "Ural Cognitive Agro", sẽ tiến hành xây dựng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, các giải pháp phần cứng trong các ứng dụng nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hơn 200 chuyên gia trình độ cao sẽ được đào tạo ở các chuyên ngành trí tuệ nhân tạo quan trọng nhất và kỹ thuật robot phục vụ cho ứng dụng nông nghiệp thông minh. Hiện các doanh nghiệp nông nghiệp vùng Ural đang cung cấp mặt bằng để tiến hành các thử nghiệm kỹ thuật không người lái.
Các chuyên gia ước tính, việc sử dụng tự động hóa trong nông nghiệp sẽ giúp tăng trung bình 50 - 70% hiệu quả, giảm thất thoát nhiên liệu, tăng chất lượng thu hoạch và tối ưu hóa quá trình lao động, tăng năng suất thu hoạch thêm 1,5 - 2 lần, giảm giá gieo trồng đến 80%.
Theo dự tính, chương trình "Ural Cognitive Agro" sẽ đem lại hiệu quả kinh tế ít nhất 20 - 30 tỷ Ruble (khoảng 330 - 500 triệu USD).
Theo số liệu được các chuyên gia công bố, hiện năng suất lao động trong nông nghiệp của Nga đang thấp hơn của Đức 3 lần. Năng suất thu hoạch cũng thấp hơn Đức và Mỹ từ 2,5 - 3 lần. Khoảng cách này đang được người Nga kỳ vọng sẽ thu hẹp lại nhờ vào nông nghiệp thông minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!