Năng suất lao động: Vì sao Việt Nam luôn đứng cuối bảng?

Hoàng Yến - Anh Nguyên (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 06/01/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, một loạt bảng xếp hạng năng suất lao động khu vực châu Á và trên thế giới đã được công bố, năng suất lao động của Việt Nam luôn bị xếp cuối bảng.

Câu chuyện năng suất, chất lượng một lần nữa lại là vấn đề nóng trong buổi công bố 20 năm Giải thưởng chất lượng quốc gia vừa được Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức.

Giải thưởng chất lượng quốc gia là giải thưởng duy nhất đến thời điểm này được công nhận trong hệ thống quy phạm pháp luật của Việt Nam. Doanh nghiệp đoạt giải đồng nghĩa sẽ nhận bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ.

Để đạt được giải thưởng, các doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, bao gồm: Chiến lược, vai trò lãnh đạo, phát triển khách hàng và nguồn nhân lực. Bộ tiêu chí này đã được xây dựng cách đây đến 20 năm, thể hiện tầm nhìn cũng như kỳ vọng của Hội đồng Giải thưởng với các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: “20 năm đã định hình nề nếp để doanh nghiệp hướng tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình, đáp ứng thị trường và đạt tiêu chí cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Thế nhưng, không biết Bộ tiêu chuẩn quốc tế này quá khắt khe hay khả năng hội nhập của doanh nghiệp Việt còn thấp mà 20 năm qua, chỉ có gần 1.700 doanh nghiệp đạt được giải thưởng này. Con số là hàng nghìn nhưng lại quá nhỏ bé trên tổng số hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên thị trường.

Ông Lê Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty Xuân Hòa Việt Nam đánh giá: “Lao động Việt Nam tính chuyên nghiệp chưa thể so sánh với các nước có nền công nghiệp phát triển. Người lao động nhiều khi có “văn hóa” xin nghỉ như rằm tháng Giêng hay nhà có đám cưới… đó cũng là những điều khó khăn cho doanh nghiệp”.

Để tăng năng suất lao động, ngoài việc tổ chức đào tạo, nhiều doanh nghiệp đã gắn trách nhiệm của từng người lao động với quyền lợi cụ thể.

Ông Trần Ngọc Quyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn gợi ý: “Đào tạo gắn liền với lương thưởng thì sẽ bắt buộc người lao động làm việc hết mình để lương cao hơn, doanh nghiệp cần thu hút người lao động liên tục nghĩ ra sáng kiến đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp”.

Ngoài doanh nghiệp, 70% lao động hiện nay của Việt Nam làm trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, thiết bị lạc hậu. Chính vì vậy nâng cao năng suất lao động ở lĩnh vực này đang là mục tiêu hàng đầu của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước