Đây là lần đầu tiên các kỹ sư trong nước tự thiết kế, hiệu chỉnh và lắp đặt thiết bị kỹ thuật điện có độ phức tạp cao trên lưới điện cao áp 500 kV. Công việc này trước đây thường do các chuyên gia nước ngoài thực hiện.
‘ Trạm biến áp 500 kV Nho Quan. (Ảnh: Năng lượng Việt Nam)
Theo tổng sơ đồ điện VII đã được Thủ tướng phê duyệt, xu hướng truyền tải của lưới điện 500 kV đến 2017 vẫn từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Trong khi đoạn Hà Tĩnh - Phú Lâm công suất truyền tải đã được nâng từ 1000A lên gấp đôi, đoạn Nho Quan - Hà Tĩnh cuối năm 2014 mới có kinh phí thực hiện. Tổng công ty truyền tải điện quốc gia đã chuyển 3 dàn tụ bù dọc 1500A cũ được thay từ Trạm 500 kV Di Linh và Tân Định để thay thế các tụ bù dọc 1000 A của Trạm 500 kV Nho Quan và Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 cho biết: “Việc tăng từ 1000A lên 1500 A đã làm tăng công suất truyền tải điện lên gấp 1,5 lần. Đặc biệt nó làm ngành điện tăng khả năng tải đường dây trong điều kiện chưa kịp đầu tư tăng từ 1000 A lên 2000 A”.
Trước đây, việc cài đặt thông số điều khiển, bảo vệ nội bộ các tụ bù 500 kV và thí nghiệm hiệu chỉnh đều phải thuê chuyên gia các hãng chế tạo thực hiện. 3 dàn tụ bù dọc này chỉ riêng kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài lắp đặt đã lên tới trên 50 tỷ đồng và phải chờ đến tháng 3 năm 2014 mới thực hiện được. Để tăng khả năng cung cấp điện cho miền Nam vào dịp tết nguyên đán và mùa khô năm sau, công ty truyền tải 1 đã tự lắp đặt 1 dàn tụ bù dọc và đã đóng điện thành công.
Kỹ sư Phạm Quang Hòa, Phó phòng kỹ thuật, công ty Truyền tải điện 1 nói: “Để thực hiện được hệ thống này, công ty truyền tải 1 đã phải nghiên cứu trong 3 tháng, phải liên hệ với chuyên gia đọc tất cả các tài liệu, phải tải trên mạng tất cả các tài liệu của hãng để thực hiện ghép nối lắp đặt tại Trạm Nho Quan”.
Công ty truyền tải điện 1 phấn đấu trong tháng 12 sẽ lắp đặt nốt 2 dàn tụ bù dọc ở Trạm 500kV Nho Quan và Hà Tĩnh. Trong khi chờ nâng cấp lên 2000A vào cuối năm 2014, việc tái sử dụng các tụ bù cũ này sẽ làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng và góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ kỹ sư, công nhân ngành điện.