Nâng chất thị trường trái phiếu

VTV Digital-Thứ ba, ngày 27/09/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sau một thời gian được thanh lọc, chấn chỉnh, bình ổn, thị trường trái phiếu được kỳ vọng đi vào giai đoạn phát triển bền vững.

Với Nghị định 65 sửa đổi bổ sung quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành gia tăng mức độ bảo vệ cho nhà đầu tư cá nhân nhưng cũng không siết chặt kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại. Đây là chia sẻ của nhiều thành viên thị trường sau khi Nghị định 65 sửa đổi bổ sung 1 số điều của Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được Chính phủ ban hành mới đây. Tinh thần của Nghị định mới bao hàm nhiều nội dung cập nhật theo thông lệ quốc tế, thể hiện quan điểm rõ ràng của Chính phủ xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa đảm bảo tính thị trường, vừa tăng cường sự minh bạch từ tổ chức phát hành và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư tham gia.

Nâng chất thị trường trái phiếu - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Quy định mới nâng chất thị trường trái phiếu

Ngày trước chỉ cần có 2 tỷ đồng trong tài khoản chứng khoán là công ty chứng khoán có thể phù phép rằng bạn là nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên với quy định mới, 2 tỷ đồng đấy phải là giá trị bình quân trong thời gian tối thiểu 6 tháng liền kề thì mới được xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp và hiệu lực xác nhận cũng chỉ trong 3 tháng.

Cùng với việc nâng mệnh giá trái phiếu từ 100.000đ lên 100.000.000đ, những sửa đổi bổ sung từ Nghị định 65 được đánh giá sẽ giảm thiểu đáng kể khả năng tiếp cận trực tiếp của những nhà đầu tư nhỏ lẻ tới kênh trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, những người chỉ nghĩ đơn giản trái phiếu doanh nghiệp là 1 dạng "tiết kiệm lãi suất cao" mà chưa hiểu hết được rủi ro

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT SaigonRatings, nhận định: "Họ thực sự là có năng lực tài chính, họ có năng lực về chuyên môn hoạt động trong chứng khoán thì họ mới có khả năng nhận thức được rủi ro và hiểu biết và cũng như tự chịu trách nhiệm về khẩu vị đầu tư, rủi ro…. Điều này chúng tôi thấy rất cần thiết và phù hợp.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, nói: "Nhà đầu tư cá nhân thì hướng họ đầu tư vào trái phiếu phát hành ra công chúng hay ủy thác cho các quỹ đầu tư, tổ chức đầu tư".

Từ Nghị định 65, doanh nghiệp cũng cảm thấy yên tâm hơn trong việc phát hành trái phiếu thời gian tới khi trong mục đích phát hành họ được phép cơ cấu lại nợ miễn là đảm bảo tuân thủ pháp luật, đảm bảo nghĩa vụ nợ vay với trái chủ

TS. Phạm Anh Khôi - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản DXS, Đất Xanh Group, nhận định, Nghị định 65 làm minh bạch hóa, rõ ràng hơn các quy định về thủ tục phát hành trong thời gian tới, giúp cho khai thông việc phát hành trái phiếu.

Các thành viên thị trường cũng đánh giá cao việc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với một số trường hợp phát hành trái phiếu riêng lẻ như tổng giá trị trái phiếu trong vòng 1 năm lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu. Điều này sẽ giúp loại bỏ vấn đề bất cân xứng thông tin giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư cá nhân.

Nâng chất thị trường trái phiếu - Ảnh 2.

Nâng cao vai trò xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu

Nhiều nhà đầu tư khi tham gia giao dịch trái phiếu doanh nghiệp rất khó để nhìn rõ sức khoẻ của doanh nghiệp. Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm có vai trò giống như chiếc kính, giúp các nhà đầu tư nhìn rõ hơn tình hình doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư. Theo chia sẻ của Bộ Tài chính, trong thời gian tới sẽ cấp phép cho thêm 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp, sớm hoàn thiện cấu trúc thị trường, tăng cường tính minh bạch và công cụ hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc ngân hàng đầu tư, CTCP Chứng khoán VNDIRECT, nhận định: "Phải cho cộng đồng thấy được giá trị và ý nghĩa của việc xếp hạng tín nhiệm thì ta mới lan tỏa được văn hóa xếp hạng".

Ông Paul Coughlin, Cựu Giám đốc Toàn cầu S&P Global Ratings, cho biết: "Điểm khó của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm khi bắt đầu là sự chấp nhận của doanh nghiệp và nhà đầu tư vì họ lo ngại chất lượng không được như kỳ vọng, tuy nhiên với 26 năm kinh nghiệm xếp hạng tín nhiệm tại S&P Global Ratings, tôi tin trong sự hợp tác lần này với Fiinratings, chúng tôi sẽ nâng cao được chất lượng và uy tín cho dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nội địa ở Việt Nam".

Doanh nghiệp xếp hạng nếu có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án tốt sẽ có thể huy động được vốn với chi phí thấp hơn. Dần hướng tới bắt buộc xếp hạng tín nhiệm không phải là động thái siết chặt về điều kiện mà là một trong những yếu tố then chốt giúp thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.

Sự xuất hiện của những tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở Việt Nam cho thấy họ có niềm tin rằng thị trường trái phiếu của chúng ta còn nhiều tiềm năng phát triển. Sau Nghị định 65, theo tinh thần của Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục được theo sát và hoàn thiệN, từ nâng cao vai trò của xếp hạng tín nhiệm cho đến làm sao để phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn và từ đó trả lời câu hỏi lớn nhất là làm sao để trái phiếu cùng với cổ phiếu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính cho doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước