Tuy chiếm chưa đến 1% tổng số lượng doanh nghiệp nhưng các Doanh nghiệp Nhà nước lại đang nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước và đóng góp lớn nhất vào GDP với tỷ trọng gần 30%. Ngoài ra, khu vực kinh tế này còn góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các Doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đang nắm giữ. Làm thế nào để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh để Doanh nghiệp Nhà nước thực sự đứng đầu trong 3 trụ cột kinh tế của đất nước vẫn là bài toán cần sớm có lời giải trong năm 2018.
Đề án "Cơ cấu lại Doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy quan trọng để tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài một loạt giải pháp đã và đang được đề ra thì cần sớm kiện toàn bộ máy của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước phụ thuộc rất lớn vào vai trò điều hành, quản trị của người đứng đầu. Những người đứng đầu phải hiểu biết sâu về kinh tế thị trường, có năng lực kinh doanh tốt chứ không đơn thuần chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị do các cơ quan quản lý Nhà nước giao.
Là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế, Doanh nghiệp Nhà nước phải giữ vai trò "châm ngòi" cho phát triển kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn của đất nước. Vì vậy rất cần chiến lược, cơ chế phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của Doanh nghiệp Nhà nước, qua đó đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.