Nâng cao giá trị cho chè từ chuyển đổi số

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 03/06/2024 15:40 GMT+7

VTV.vn - Những người nông dân tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái đang hòa mình vào nhịp chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nâng cao giá trị cho đặc sản Chè Shan tuyết.

Gắn mã QR, chủ động cập nhật quy định về thị trường EU, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác vận hành, phân phối sản phẩm chè Shan Tuyết là những gì mà các nông hộ trên địa bàn xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái triển khai để bắt nhịp với chuyển đổi số và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Ông Vàng A Dơ - Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái cho biết: "Treo mã này mới tin tưởng là chè đặc sản, là chè ngon. Riêng xã Suối Giàng chúng ta có cây chè cổ thụ quý giá như thế".

Bà Nguyễn Thị Thơm - Quản lý Khu du lịch Enna Glamping chia sẻ: "Khi gắn mã QR, khách du lịch tự check mã QR sẽ ra nguồn gốc cây chè. Có cây chè từ 300 tuổi, 400 tuổi, 500 tuổi. Và khách du lịch rất thích thú với gắn mã QR".

Đồng thời, Hợp tác xã Suối Giàng còn ứng dụng công nghệ trong quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại; linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ông Lường Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái nhận định: "Đối với sản phẩm chè, từ vấn đề truy xuất nguồn gốc, cũng như vấn đề gắn mã QR code trong từng dòng sản phẩm, hiện nay cũng đều ứng dụng và áp dụng trên các dòng sản phẩm của chè".

Tỉnh Yên Bái bước đầu đã thí điểm gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho 100 cây chè Shan Tuyết cổ thụ và bộ tem dán trên sản phẩm chè khô đóng gói, chia theo 4 nhóm tuổi gồm: 500 tuổi trở lên, trên 400 tuổi, trên 200 tuổi và từ 100 tuổi trở lên. Địa phương đã từng bước quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm chè Shan Tuyết Suối Giàng. Đây là một trong số các sản phẩm OCOP mà tỉnh Yên Bái ứng dụng chuyển đổi số nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái nêu ý kiến: "Chúng tôi có chương trình hỗ trợ các bà con để thuê các tổ chức, chuyên gia của quốc tế để vào đánh giá phân tích và cấp chứng chỉ phục vụ cho thị trường khó tính của quốc tế".

Chỉ cần một thao tác đơn giản trên điện thoại, người mua đã có thể nắm được thông tin cây lá chè đến tận gốc cây chè cổ thụ. Việc làm này tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chè Việt Nam để minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, cung cấp các chứng chỉ để đáp ứng việc xuất khẩu ra các thị trường quốc tế. Và cũng là bước khởi đầu để các hợp tác xã vùng cao chuyển mình cùng cuộc cách mạng chuyển đổi số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước