Nan giải bài toán vốn cho Quốc lộ 1A

Quang Minh-Thứ ba, ngày 09/04/2013 10:33 GMT+7

Quốc lộ 1A đoạn đi qua quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ

 Chỉ trong vòng 1 tháng qua, đã có tới 5 dự án BOT mở rộng QL1A được khởi công xây dựng với tổng kinh phí trên 35.000 tỷ đồng. Theo Bộ GTVT, việc huy động nguồn vốn tư nhân trong giai đoạn này là rất khó khăn.

Trung bình thời gian thu phí của các dự án là 20 năm, tuy nhiên các doanh nghiệp không hẳn đã mặn mà với việc tham gia dự án. Bởi theo họ, nếu không được Bộ Tài chính đồng ý cho tăng mức phí trong thời hạn nhất định của dự án, thì thời gian thu hồi vốn có thể là 30, thậm chí 40 năm.

Ông Nguyễn Duy Thanh Bình, Phó TGĐ Cienco 5 cho rằng: “Nếu áp dụng theo thông tư 90 của Bộ Tài chính được tăng 2 lần thì khả năng hoàn vốn của QL1A là không khả thi, nên Bộ GTVT trình Chính phủ đề án mở rộng QL1A với mức phí tăng 3,5 lần từ 2016”.

Việc tăng phí chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của người dân và doanh nghiệp vận tải, nhưng nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì cho dù đến năm 2020 cũng mới chỉ nâng cấp được một số đoạn chứ không nói gì tới toàn tuyến. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tại sao không tập trung làm tiếp cao tốc mà lại mở rộng QL1A khiến có quá nhiều trạm thu phí.

“Những đường trục như thế phải vay tiền làm, rồi sau lấy tiền thuế để trả chứ để tư nhân làm rồi thu phí thì sẽ có chuyện” - TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ GTVT, sau hơn 1 thập kỷ chật vật vay vốn của các tổ chức tín dụng quốc tế để xây đường cao tốc, Bộ không thể chờ được nữa và cần phải tập trung đầu tư ngay để nâng cấp tuyến QL1A.

Ông Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: “Sau 10 năm vận động, vốn vào cho các dự án cao tốc là rất khó, vì thực ra hiệu quả tài chính của các dự án không cao, ngân sách nhà nước cũng chỉ đủ góp giải ngân cho các dự án ODA, chứ góp vốn theo hình thức PPP là hình thức mới cũng rất khó khăn”.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã chia QL1A thành 37 dự án, trong đó 17 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính đều có ý kiến chính thức là không thể thực hiện hình thức trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, vì các dự án mở rộng QL1 còn lại sử dụng nguồn vốn này không có khả năng hoàn vốn thông qua thu phí. Các bộ đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ 55.000 tỷ đồng để đầu tư những đoạn không thể kêu gọi đầu tư tư nhân.

Kể từ năm 1993, QL1A mở rộng theo kiểu hai làn từ Lạng Sơn tới Cà Mau, nhưng sau gần 20 năm khai thác, trục giao thông xương sống của đất nước hiện đã quá tải và gây nhiều hệ lụy. Vốn là bài toán khó đối với Bộ Giao thông Vận tải và nếu không có một cơ chế đặc thù, thì QL1A khó có thể hoàn thành mở rộng vào năm 2016 theo như quyết định của Thủ tướng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước