Tỷ lệ nội địa hóa trong các chuỗi cung ứng nước ngoài đang tiếp tục được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh hơn vào công nghệ sản xuất để tham gia chuỗi của doanh nghiệp FDI lớn.
Gấp rút đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và sản xuất mới tại khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, dự kiến, nhà máy có thể đi vào hoạt động vào giữa năm nay. Sự đầu tư đã được chuẩn bị từ rất nhiều năm trước doanh nghiệp để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của tập đoàn Techtronic Industries, từ Hoa Kỳ, với tỷ lệ nội địa hóa cam kết lên tới 80%.
"Để tham gia vào chuỗi của các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp Việt phải đầu tư chiều sâu, phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo tiến độ giao hàng. Bởi vì khi vào hệ thống này, nếu không đáp ứng được yêu cầu đó, sau một thời gian chúng ta sẽ rời trở ra", ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước được đánh giá là có nhiều cơ hội do sự dịch chuyển vốn của nhiều doanh nghiệp đầu cuối lớn vào Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Khảo sát mới nhất của Tổ chức Thúc đẩy và Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) cho thấy, gần 60% doanh nghiệp Nhật Bản có lãi trong năm 2022. Đáng chú ý, hơn 53% các doanh nghiệp nước này tại Việt Nam cho biết kết quả kinh doanh có thể tiếp tục được cải thiện. Đối với toàn khu vực châu Á và Châu Đại Dương, số doanh nghiệp dự báo lạc quan tại Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao.
"Lý do hàng đầu trong việc cải thiện lợi nhuận kinh doanh ở cả ngành chế tạo và phi chế tạo là do phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên việc nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức mua nội địa vốn là những yếu tố góp phần vào tăng trưởng của Việt Nam cũng được xếp hạng cao", ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Tuy nhiên, kéo giảm giá thành sản phẩm để có thể cạnh tranh trong chuỗi của doanh nghiệp đầu cuối vẫn là vướng mắc lớn nhất để tăng tỷ lệ nội địa hóa.
"Tôi nghĩ sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam cần phải có nền tảng từ xây dựng công nghiệp hỗ trợ vững chắc. Điều này giúp tránh phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu và vì thế giải quyết nút thắt dẫn đến việc sản xuất manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao", ông Choi Bundo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho hay.
Thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước được đánh giá là có nhiều cơ hội do sự dịch chuyển vốn của nhiều doanh nghiệp đầu cuối lớn vào Việt Nam. Tuy vậy, tốc độ nội địa hóa chuỗi cung ứng sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng chủ động nguyên, vật liệu và chính sách hỗ trợ đầu tư tập trung hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!