Năm 2023, Hà Nội xây mới, sửa chữa hàng chục chợ truyền thống

Khánh Linh-Thứ tư, ngày 02/08/2023 09:48 GMT+7

VTV.vn - Việc cải tạo chợ truyền thống tại Hà Nội là điều cấp thiết trong bối cảnh hiện nay phần lớn các chợ đã lâu năm và đang ngày càng xuống cấp.

Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có hơn 540 chợ truyền thống, bao gồm các hạng từ 1 - 3. Hiện chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%.

Hơn 2 tháng trước đây, khu vực dự án chợ dân sinh Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chỉ là nơi để người dân thả gà, phơi quần áo, thậm chí trở thành nhà trọ bất đắc dĩ củ một số người.

Xây dựng xong từ 6 năm trước, do chưa đưa vào sử dụng nên cơ sở vật chất xuống cấp dần theo thời gian, điều mong mỏi của những tiểu thương đang kinh doanh ở chợ tạm là sớm được quay lại chợ.

"Hứa với chúng tôi là 6 tháng mà bây giờ 6 năm rồi vẫn chưa cho sang. Nhiều người mới về nghĩ đây không phải là chợ", bà Nguyễn Thị Dung, tiểu thương chợ Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ.

Năm 2023, Hà Nội xây mới, sửa chữa hàng chục chợ truyền thống - Ảnh 1.

Hiện nay Hà Nội có hơn 540 chợ truyền thống, bao gồm các hạng từ 1 - 3. (Ảnh: VOV)

"Chợ tạm, 6 năm nay làm chợ, bỏ không. Ngõ này cụt quá không thể bán được. Chợ hiện nay đã xuống cấp mà tiểu thương chúng tôi lại không được sang. Đó là nguyện vọng thiết tha của các tiểu thương chúng tôi", bà Trần Ý Lan, tiểu thương chợ Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết.

Chỉ sau 2 tháng, chợ Phú Đô đang được hoàn thành để chuẩn bị nghiệm thu đưa vào sử dụng. Những bình cứu hỏa mới đã được lắp đặt vào vị trí của nó. Hệ thống trụ nước chữa cháy cũng được lắp mới.

Những công đoạn cuối cùng để nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy và nghiệm thu công trình đang được quận Nam Từ Liêm tích cực triển khai. Tất cả đều có được sau khi chính quyền quận Nam Từ Liêm triển khai tiếp dự án chợ bằng nguồn ngân sách nhà nước.

"Trong tháng 8, Ban quản lý sẽ phối hợp với công an thành phố và công an quận để nghiệm thu xong về phòng cháy, chất lượng công trình. Trong quý III, cơ bản sẽ hoàn thành nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Sau đó, Ban quản lý dự án sẽ bàn giao lại cho Ban quản lý chợ, sẽ đưa tiểu thương vào hoạt động trong quý IV năm 2023", ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, thông tin.

Sau gần 7 năm chờ đợi, vào quý IV năm nay, những tiểu thương có thể sẽ được kinh doanh trên khu vực chợ mới xây xong. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng mới hơn 140 chợ, cải tạo, sửa chữa gần 170 chợ dân sinh.

"Việc xây dựng, cải tạo mới các chợ này, TP Hà Nội đặt mục tiêu chợ phải văn minh, hiện đại và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; bố trí sắp xếp ngành hàng một cách khoa học, hợp lý nhất để phục vụ nhu cầu mua sắm thuận tiện cho bà con", bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhận định.

Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch dự kiến xây mới và cải tạo, sửa chữa hàng chục chợ truyền thống trong năm nay. Không chỉ là nơi kinh doanh buôn bán, việc hoàn thiện hạ tầng chợ cũng là một trong những mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao đã được thành phố Hà Nội triển khai.

Nhiều chợ nổi tiếng ở Hà Nội ế khách, tiểu thương bỏ sạp Nhiều chợ nổi tiếng ở Hà Nội ế khách, tiểu thương bỏ sạp

VTV.vn - Chuyển đổi thiếu hợp lý, nhiều khu chợ nổi tiếng sầm uất của Hà Nội trước kia như chợ Hàng Da, chợ Mơ... đặt trong trung tâm thương mại trở nên ế khách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước