Na Uy cấm các tàu du lịch chạy bằng nguyên liệu hóa thạch

Như Anh-Thứ ba, ngày 09/01/2024 06:43 GMT+7

VTV.vn - Chính phủ Na Uy mới đây đã quyết định sẽ hạn chế đáng kể lượng du khách tới vùng Vịnh này cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường do xăng dầu của tàu thuyền gây ra.

Na Uy là một quốc gia Bắc Âu rất nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Quốc gia này sở hữu vùng vịnh thu hút đông đảo du khách quốc tế và đã được đưa vào danh sách di sản thế giới của UNESCO. Tuy nhiên, từ năm 2026, chính phủ Na Uy sẽ chỉ cho phép các tàu du lịch chạy bằng nhiên liệu sạch được khai thác các tour du lịch ở vùng biển nước này nhằm bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

Bờ Vịnh phía Tây của Na Uy là một trong những điểm thu hút du khách nhất khi họ đặt chân tới quốc gia Bắc Âu này. Nơi đây thường xuyên có các du thuyền siêu lớn lui tới. Mỗi khi thuyền cập bến, hàng trăm du khách lại đổ vào các ngôi làng để mua sắm, ăn uống và vãn cảnh, tạo nên một khu dịch vụ du lịch đông đúc sầm uất. Mỗi năm, những du thuyền này lại đưa đến cho vùng khoảng nửa triệu du khách quốc tế. Với những người dân địa phương, đây là nguồn thu nhập chủ yếu của họ.

Ông Frank Ole Bonsarksen, Quản lý cảng Geiranger, Na Uy, cho biết: "Đây là nguồn sống của chúng tôi, bất kể công việc là gì: Đi thuyền tuần tra trong vịnh hay là làm việc tại cảng. Rất nhiều người phụ thuộc vào nguồn thu từ du lịch và không có công việc nào khác".

Tuy nhiên, chính phủ Na Uy mới đây đã quyết định sẽ hạn chế đáng kể lượng du khách tới vùng Vịnh này cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường do xăng dầu của tàu thuyền gây ra. Từ năm 2026 trở đi, những du thuyền chạy bằng nhiên liệu này sẽ không được phép thả neo ở cảng.

Ông Eepen Barth Eide nhận định: "Ngành tàu biển có tỉ lệ phát thải trên mỗi hành khách cao nhất trong các ngành vận tải trên thế giới. Đó là lý do tại sao Quốc hội Na Uy đã quyết định áp dụng chính sách phát thải ròng bằng 0 đối với ngành này".

Đối với ngành du lịch tàu biển nói chung, chính sách này sẽ tạo ra một thử thách lớn vì không phải con tàu nào cũng đáp ứng được tiêu chuẩn nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, đang có những con tàu nỗ lực trong việc chuyển đổi sang nhiên liệu sạch hơn, ví dụ con tàu MSC. Đây là con tàu tiên phong trong việc chạy bằng nhiên liệu thay thế dầu diesel, cụ thể là chuyển sang khí tự nhiên hóa lỏng LNG.

Ông Michelle Francioni, Tàu du lịch MSC, cho biết: "Đây là một bước tiến lớn. Lần đầu tiên chúng tôi có một con tàu chạy bằng nhiên liệu được nén và làm lạnh thay vì trữ ở nhiệt độ thường. Điều này cho phép chúng ta phát triển các tàu chạy bằng loại nhiên liệu có mức phát thải thấp hơn nhiều và bớt gây ô nhiễm môi trường".

Trên con tàu MSC, bể bơi và các phòng của du khách cũng được sưởi ấm bằng động cơ của tàu. Mặc dù vậy, phòng điều khiển vẫn chạy bằng dầu diesel. Trong điều kiện trời có gió lớn, thuyền trưởng có thể đổi sang chế độ chạy dầu diesel như thường. Con tàu như thế này cũng không hề rẻ, khi chi phí lắp ráp xây dựng rơi vào khoảng 1 tỷ Euro. Một điểm trừ nữa, là ngay cả con tàu chạy bằng LNG như thế này cũng không được giới chức Na Uy bật đèn xanh vì khí LNG cũng chỉ giảm thiểu phần nào phát thải mà thôi.

Trong tương lai, để đi vào vùng vịnh nổi tiếng này, các con tàu du lịch phải chạy bằng điện, mà pin chạy điện chỉ đủ để tàu hoạt động trong 3 4 tiếng đồng hồ. Mặc dù đã có những bước tiến đầu tiên, nhưng công nghệ để ngành du lịch biển hoàn toàn chạm mốc phát thải bằng 0 vẫn còn một chặng đường dài trước mắt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước