"Mặt trận" tiền tệ này diễn ra khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên còn chưa ngã ngũ. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước bất ngờ tuyên bố sẽ áp thêm 10% thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ 1/9 tới, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách để cho đồng Nhân dân tệ (NDT) trượt khỏi ngưỡng tâm lý quan trọng 7 NDT/USD mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cố giữ trong suốt một năm qua.
Cụ thể, ngày 5/8, đồng NDT đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm với tỷ giá 7,0391 NDT/USD. Ngay sau khi đồng NDT lao dốc, một loạt đồng tiền khác trên thị trường châu Á cũng đi xuống. Đồng Won Hàn Quốc chạm mức thấp của 3 năm, ở mức 1.218,3 Won/USD, trong khi đồng Rupee của Ấn Độ cũng rơi xuống mức yếu nhất kể từ đầu tháng 3/2019 với 70,425 Rupee/USD. Đồng Rupiah của Indonesia trong phiên này cũng giảm 0,7%, xuống 14.270 Rupiah/USD. Còn đồng Baht Thái Lan, đồng tiền mạnh nhất khu vực châu Á kể từ đầu năm tới nay, giảm nhẹ xuống 30,84 Baht đổi 1 USD.
Như vậy, động thái mới của Trung Quốc đã khiến các thị trường ngoại hối và chứng khoán toàn cầu lao dốc, chắc chắn thị trường Việt Nam cũng rất khó có thể nằm ngoài xu hướng đó. Câu hỏi được giới quan sát đặt ra vào thời điểm này là chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có động thái nào tiếp theo và liệu Washington có làm điều tương tự như Trung Quốc - thực hiện các biện pháp hạ giá đồng USD - hay không.
Theo giới phân tích, tuy sự mất giá của đồng NDT hiện chỉ mang giá trị biểu trưng nhưng nó phát đi tín hiệu về cuộc chiến tranh tiền tệ giữa hai nước. Việc xác định Bắc Kinh là thao túng tiền tệ có thể mở đường cho Washington thực hiện những biện pháp cứng rắn hơn như áp thêm thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc.
Việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ là bước đi nguy hiểm, khiến đối đầu thương mại giữa hai bên tiếp tục leo thang. Nếu sau 1 năm đàm phán không tiến triển, Trung Quốc sẽ tiếp tục đối diện thêm những biện pháp từ Mỹ như: tái cân nhắc những thỏa thuận thương mại; công ty Trung Quốc bị cấm đấu thầu các dự án Mỹ, bị loại trừ khỏi danh sách hỗ trợ tài chính từ Chính phủ dành cho các dự án phát triển; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng cường giám sát những chính sách điều chỉnh tỷ giá nội tệ Trung Quốc.
Các nhà phân tích đánh giá, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ giá đồng NDT được xem như một vũ khí của nước này trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy vậy, theo ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này không lấy đồng NDT làm vũ khí đối phó với chiến tranh thương mại hay các mối lo bên ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!