Mỹ rút lui, Hiệp định TPP vẫn còn sống sót

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 28/05/2017 12:24 GMT+7

VTV.vn - Bất chấp sự rút lui đến từ phía Mỹ, với những nỗ lực của 11 thành viên còn lại, trong một nhận định mới được ra, tạp chí Forbes cho biết "TPP vẫn còn sống sót".

Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 thành viên còn lại đang nỗ lực để cứu vãn Hiệp định này. Từ cuối tuần trước, đại diện các nước tham gia đàm phán TPP đã nhất trí xúc tiến quá trình xem xét các phương án để phê chuẩn và đưa TPP vào thực thi.

"TPP vẫn còn sống sót" là nhận định mới được đưa ra từ Forbes về tương lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tác giả bài viết cho rằng có lý do để giải thích tại sao TPP-11 vẫn được thúc đẩy. Thỏa thuận đa phương này cung cấp một khuôn khổ hiện đại cho các quy tắc về thương mại công bằng và cởi mở, đáp ứng được các tiêu chuẩn của môi trường kinh doanh hiện đại.

Trong khi đó, trên Channel News Asia, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay khẳng định tuyên bố về quyết tâm theo đuổi TPP-11 tốt hơn những gì các nước đã hi vọng. Song theo Channel News Asia, tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại New Zealand có thể đúng nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của tiến trình cứu vãn TPP. Còn cả chặng đường khó khăn phía trước để đưa TPP-11 có hiệu lực.

Mỹ rút lui, Hiệp định TPP vẫn còn sống sót - Ảnh 1.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay khẳng định tuyên bố về quyết tâm theo đuổi TPP-11 tốt hơn những gì các nước đã hi vọng (Ảnh: Getty)

Tương tự Channel News Asia, Nikkei chỉ ra việc theo quy định thì TPP đòi hỏi sự phê chuẩn của ít nhất 6 quốc gia thành viên, chiếm 85% GDP của cả khối. Do đó nếu vắng mặt một trong hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ hoặc Nhật Bản thì sẽ đòi hỏi phải có 1 thỏa thuận mới. Hiện, Nhật Bản vẫn muốn duy trì những nét chính của thỏa thuận TPP 12 thành viên và hi vọng có thể thực thi nó với 11 nước còn lại.

Lạc quan hơn, tờ Straits Times cho rằng, đúng là với những quy định trước đây thì việc Mỹ rút lui sẽ khiến thỏa thuận khó có hiệu lực. Nhưng các quốc gia còn lại vẫn còn sự lựa chọn. Họ có thể thay đổi điều khoản đưa ra các quy tắc phê chuẩn thỏa thuận để cho phép TPP có thể tiếp tục. Tác giả bài viết cho rằng, các nước tham gia đàm phán có động lực để làm vậy.

Ngay cả khi thiếu Mỹ, thỏa thuận này vẫn cho phép các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam có cơ hội lớn hơn tiếp cận các nền kinh tế lớn như Nhật Bản chẳng hạn. Quy mô thị trường TPP có thể giảm đáng kể sau khi Mỹ rút lui nhưng nó vẫn có thể mang lại lợi ích cho các thành viên còn lại. Lý do là bởi thỏa thuận này bao gồm nhiều lĩnh vực thương mại mới như viễn thông, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử… Đây chính là động lực để thúc đẩy TPP-11.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước