Tại thủ đô Rome của Italy, các địa điểm du lịch nổi tiếng đã bắt đầu thấp thoáng bóng du khách trở lại. Tuy nhiên, trong số này không có sự hiện diện của những khách đến từ Mỹ - nhóm khách có số lượng đông đảo và đặc biệt là thường mạnh tay chi tiêu - một điều gây lo ngại cho nhiều doanh nghiệp sống dựa vào du khách.
"Đây đúng là bi kịch với chúng tôi. Du khách Mỹ trước đây luôn đến Rome. Chúng tôi từng là trung tâm của du lịch thế giới, nhưng nay tình hình thật đáng lo ngại" - ông Antonio Angelino, chủ một nhà hàng tại Rome, chia sẻ.
Khách du lịch chụp ảnh kỷ niệm bên cầu Than Thở, Italy. (Ảnh: Reuters)
"Các địa danh nổi tiếng như Rome, Florence, Venice đều đang chịu thiệt hại lớn khi không có du khách Mỹ. Lệnh đóng cửa còn ảnh hưởng đến những nước khác cũng có du khách chi tiêu nhiều, như Nga và Brazil" - ông Bernabo Bocca, Chủ tịch Liên đoàn Chủ khách sạn Italy, nhận định.
Mỗi năm có tới 15 triệu du khách Mỹ tới châu Âu. Vậy nên, khi Mỹ đứng ngoài danh sách 14 nước mà EU mở cửa biên giới trở lại, ngành du lịch cũng chịu sức ép lớn và rộng hơn là cả nền kinh tế, khi du lịch chiếm đến hơn 10% GDP của những nước như Pháp, Italy.
Khách du lịch dùng bữa trưa tại một nhà hàng bên kênh đào Grand ở Venice. (Ảnh: Reuters)
"Năm ngoái, du khách Mỹ chi tới 2 tỷ USD tại Paris. Đó là một nguồn doanh thu quan trọng và cũng là tổn thất lớn với chúng tôi ở thời điểm này" - bà Corinne Menegaux, Giám đốc Cục Du lịch Paris, cho hay.
Tuy nhiên, Mỹ hiện đang chứng kiến làn sóng dịch bùng phát trở lại với số ca nhiễm mới kỷ lục trên 50.000 ca/ngày. Giới chức châu Âu đã khẳng định, họ không muốn đánh đổi thành quả kiểm soát dịch bệnh sau nhiều tháng nỗ lực duy trì giãn cách xã hội. Do đó, ngành du lịch châu Âu sẽ còn phải vật lộn với việc thiếu vắng du khách Mỹ thêm nhiều tuần nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!