Các hãng bán lẻ châu Âu đối mặt mùa Giáng sinh "lạnh giá"
Một cuộc khảo sát của Barometr Providenta cho thấy, người Ba Lan sẽ chi trung bình 281 USD vào Giáng sinh năm nay, nhỉnh hơn năm trước một ít. Tuy nhiên gần một nửa số người được khảo sát cho biết họ sẽ mua các sản phẩm rẻ hơn để giảm chi phí.
Khủng hoảng chi phí sinh hoạt không chỉ diễn ra ở các nước Đông Âu, nó còn đè nặng lên cuộc sống của người dân ở phần còn lại của châu lục. Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, hơn 2/3 người Anh trưởng thành có kế hoạch cắt giảm chi tiêu dịp lễ hội cuối năm, bao gồm cả Giáng sinh - ngày lễ quan trọng nhất trong năm của phương Tây. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ông Rolf Buerkl - Hiệp hội Nghiên cứu Người tiêu dùng Đức cho hay: "Đây là một năm rất khó khăn đối với người tiêu dùng. Niềm tin người tiêu dùng đã ở mức thấp kỷ lục, chủ yếu bởi nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra, từ cuộc chiến tại Ukraine, đại dịch COVID-19, cho đến lạm phát tăng cao. Bất chấp những cải thiện mà chúng tôi đã thấy gần đây, tình hình vẫn còn rất căng thẳng".
Mùa mua sắm Giáng sinh năm nay ảm đạm đối với các nhà bán lẻ ở châu Âu khi người tiêu dùng trong khu vực đang hạn chế chi tiêu trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao. Ảnh: Retail Gazette
Người dân "thắt lưng buộc bụng", chi phí đầu vào thì tăng khiến nhiều hãng bán lẻ đều hạ dự báo triển vọng kinh doanh năm 2022
Nhà bán lẻ thời trang lớn thứ 2 thế giới H&M của Thụy Điển công bố chiến dịch cắt giảm chi phí trị giá hơn 170 triệu USD sau khi ghi nhận lợi nhuận quý III thấp hơn kỳ vọng. Hãng bán lẻ thời trang trực tuyến Asos của Anh dự đoán lợi nhuận trong năm tài chính 2022 giảm đến 90%.
Bức tranh kinh doanh tương tự cũng được ghi nhận tại các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu như Unilever, Reckitt Benckiser đều cảnh báo về áp lực chi phí sinh hoạt tăng cao khiến người tiêu dùng quay lưng.
Nhiều công ty khác lại đang phải vật lộn với lượng sản phẩm tồn kho cao, khiến họ có thể phải bán giảm giá. Điều này chắc chắn sẽ không tốt cho lợi nhuận gộp của các công ty.
Ông Jason Miller - Chủ tịch Khoa Quản lý Chuỗi Cung ứng, Đại học Bang Michigan cho hay: "Rút kinh nghiệm từ đợt lễ năm ngoái, nhiều nhà bán lẻ đã đặt hàng hóa nhiều quá mức nhu cầu, bởi họ sợ nhu cầu sẽ bùng nổ như năm 2020, 2019 và họ bị rơi vào tình thế "cháy hàng". Thế nên điều đó có nghĩa họ đang có rất nhiều hàng tồn trong kho và đang tìm cách để giải phóng chúng".
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số cổ phiếu ngành bán lẻ châu Âu giảm 40% giá trị trong năm nay, gấp đôi mức giảm của chỉ số STOXX 600, đại diện cho giá cổ phiếu của 600 công ty nhỏ, vừa và lớn tiêu biểu ở 17 nước châu Âu.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù niềm tin người tiêu dùng có giai đoạn hồi phục tuy nhiên vẫn ở mức thấp kỷ lục và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh lớn đến tất cả người dân tại châu Âu.
Nhộn nhịp mua sắm đồ trang trí Giáng sinh tại Mỹ
Tại Mỹ, thứ Bảy cuối cùng trước lễ Giáng sinh - còn được gọi là Super Saturday - thường là một trong những ngày mua sắm bận rộn nhất trong năm khi người tiêu dùng Mỹ đổ xô mua những món quà cuối cùng vào trước lễ Noel.
Theo Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ nhận đinh, sẽ có khoảng 160 triệu người tiêu dùng Mỹ tham gia sự kiện Super Saturday, tức tăng khoảng 10 triệu người so với năm ngoái.
Dù lạm phát cao đã thay đổi phần nào thói quen mua sắm nhưng năm nay người tiêu dùng Mỹ vẫn dành ra trung bình khoảng 998 USD để mua những món quà tặng nhau dịp lễ cuối năm và Giáng sinh, tức tương đương mức năm ngoái. Bất chấp giá cả hầu hết các mặt hàng trang trí đều tăng, người dân nước này vẫn đổ tới các cửa hàng để mua sắm, chuẩn bị cho những ngày nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm.
Bất chấp giá cả hầu hết các mặt hàng trang trí Giáng sinh đều tăng, người dân nước này vẫn đổ tới các cửa hàng để mua sắm. Ảnh minh họa.
Cửa hàng bán đồ trang trí ở thành phố Beverly Hill, bang California, những ngày giáp lễ Giáng sinh lúc nào cũng đông khách. Chủ cửa hàng cho biết, dù giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, nhất là những loại đồ trang trí cao cấp, song khách hàng vẫn sẵn sàng mở hầu bao.
"Những mặt hàng như cây thông Noel chẳng hạn giá đã tăng so với các năm trước. Nhưng chúng tôi bán những sản phẩm có chất lượng cao nhất vì thế mọi người đều hiểu rằng giá của những sản phẩm này ở mức cao. Do đó chúng tôi không thấy có sự sụt giảm nào. Mọi người đều muốn mua những sản phẩm tốt nhất chúng tôi có", anh Brian Gold - Chủ cửa hàng Aldik Home, Beverly Hill, Mỹ nói.
Năm nay, đồ trang trí truyền thống mang phong cách cổ điển được ưa chuộng. Bên cạnh những màu sắc đặc trưng cho ngày lễ như hồng, tím, xanh thì màu trắng, đen và xám ánh kim được cho là xu thế chủ đạo. Điểm đáng chú ý của mùa mua sắm kỳ nghỉ lễ cuối năm nay là số lượng khách tới các cửa hàng để trực tiếp mua sắm đã gia tăng.
Bà Julie Wangner - Giám đốc Phòng thương mại và Du lịch Beverly Hill, Mỹ cho biết: "Năm nay chúng tôi chứng kiến sự gia tăng rõ rệt lượng khách tới cửa hàng để mua sắm so với năm 2021. Họ tới đây để mua sắm và ăn mừng. Bởi người tiêu dùng có tâm lý là sau COVID-19 họ muốn được tận hưởng cuộc sống và chung vui cùng với người thân. Và việc đi mua sắm đồ Giáng sinh chắc chắn là một phần trong đó".
Các chuyên gia nhận định là dù hầu bao có phần eo hẹp hơn, nhưng sở thích và nhu cầu đi mua sắm trực tiếp của người dân Mỹ sẽ quay trở lại trong giai đoạn cuối của mùa mua sắm cuối năm này.
Khảo sát của Hiệp hội bán lẻ Mỹ cho thấy số người Mỹ có ý định đi mua sắm trực tiếp năm nay cao hơn so với năm ngoái, chiếm 67% số người được hỏi, tăng so với 64% hồi năm ngoái. Đây cũng là điều dễ hiểu khi cuộc sống bình thường mới đang bắt đầu đi vào ổn định, dù một số nơi vẫn còn khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
Xu hướng tiêu dùng Giáng sinh tại châu Á - Thái Bình Dương
Không khí mua sắm Giáng sinh cũng tràn ngập khắp châu Á. Khảo sát do MiQ - Công ty chuyên phân tích dữ liệu có trụ sở tại London thực hiện liên quan đến chi tiêu tiêu dùng mùa lễ hội, Giáng sinh 2022 cho thấy khoảng 10 người được hỏi tại Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á thì có 6 người dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn trong mùa lễ hội năm nay so với năm 2021. Khảo sát cho rằng tỷ lệ này là do khả năng phục hồi tài chính mạnh mẽ của châu Á hậu COVID-19.
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn trong dịp Giáng sinh năm nay tại Ấn Độ, Trung Quốc và Singapore đều cao hơn so với mức trung bình 46% của thế giới. Ngay cả tại Australia - nơi tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ qua, 1/3 số người tiêu dùng được hỏi cũng cho biết sẵn sàng mở rộng hầu bao trong dịp cuối năm.
Mặc dù có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn, 70% các khách hàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ mua ít sản phẩm hơn và chọn lựa cẩn thận hơn trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Bên cạnh nhu yếu phẩm, các mặt hàng điện tử và giải trí sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng.
Ở chiều ngược lại, các thương hiệu bán lẻ cũng điều chỉnh chiến lược của mình, quảng bá sản phẩm sớm hơn để thu hút khách hàng. Các sự kiện Black Friday và Cyber Monday hồi tháng 11 đã góp phần thúc đẩy hoạt động mua sắm trực tuyến trước thềm Giáng sinh.
Ông Paul Zahra - Giám đốc điều hành Hiệp hội bán lẻ Australia nhận định: "Phần lớn người tiêu dùng đang cố gắng giảm thiểu tác động từ việc tăng giá và do vậy đã tiến hành mua sắm từ trước. Đồng thời, các nhà bán lẻ cũng cố gắng đảm bảo rằng họ có thể cung cấp cho người tiêu dùng những giao dịch tốt nhất. Điều này rất hiệu quả trong việc thúc đẩy chi tiêu, bởi người tiêu dùng có thể chắc chắn rằng họ sẽ nhận được sản phẩm trước Giáng sinh. Đó là một trong những lý do vì sao các sự kiện như Black Friday đặc biệt thành công trong thời gian vừa qua".
Việc tập trung phát triển mua sắm đa kênh cũng rất quan trọng với các hãng bán lẻ, bởi thống kê cho thấy, cứ 10 khách hàng, lại có 4 người đang liên tục chuyển đổi giữa các kênh mua sắm trực tiếp và trực tuyến. Các dịch vụ kết hợp giữa đặt hàng trực tuyến và đến cửa hàng lấy hàng, hay nghiên cứu trực tuyến, mua tại cửa hàng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!