Mua nhà ở xã hội qua trung gian: Rủi ro nào “rình rập” người mua?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 05/03/2021 06:24 GMT+7

VTV.vn - Nếu việc mua nhà ở xã hội không thông qua trực tiếp chủ đầu tư, người mua sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.

Nhà ở xã hội: Hút khách nhờ giá rẻ

Nhiều người có nhu cầu mua nhà tại Hà Nội đang rất quan tâm tới thông tin mở bán các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, ở các vị trí đẹp, gần trung tâm trong năm nay. Vì được ưu đãi về tiền sử dụng đất, nên các dự án này chỉ có giá bán 15 - 17 triệu đồng/m2, tức một căn hộ chỉ có giá trên dưới 1 tỷ đồng.

Với mức giá như vậy, các dự án nhà ở xã hội lập tức được "săn đón", không chỉ đối với người mua, mà còn được xem là miếng bánh "béo bở" đối với nhiều sàn giao dịch và môi giới. Một tháng trở lại đây, thị trường Hà Nội lại xuất hiện tình trạng rao bán các suất mua nhà ở xã hội.

Mua nhà ở xã hội qua trung gian: Rủi ro nào “rình rập” người mua? - Ảnh 1.

Một tháng trở lại đây, thị trường Hà Nội lại xuất hiện tình trạng rao bán các suất mua nhà ở xã hội. Ảnh minh họa - Dân trí.

Nhà ở xã hội Hạ Đình tại ngõ 214 Nguyễn Xiển và dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn trên đường Tố Hữu là 2 dự án nhà ở xã hội "nóng" nhất trên thị trường bất động sản Hà Nội hiện nay. Theo các nhân viên môi giới, khi mở bán, số lượng người nộp hồ sơ mua nhà sẽ rất nhiều. Tỷ lệ "chọi" căn sẽ là 1 chọi 7, hoặc 1 chọi 8, tức cứ 7 đến 8 người nộp hồ sơ chỉ có 1 người bốc thăm được.

Bởi vậy, các môi giới hứa hẹn sẽ nhận tiền và chắc chắn người mua sẽ bốc thăm trúng. Bảng "phí" cũng được đưa ra rõ ràng 150 triệu người mua sẽ trúng bốc thăm. Nhưng để chọn căn, chọn tầng đẹp như ý, số tiền bỏ ra từ 300 đến gần 400 triệu đồng. Các môi giới này tự nhận đã có nhiều khách hàng đã tìm đến họ để sử dụng dịch vụ này.

"Hồ sơ chỉ cần qua điều kiện như thế, bọn em hỗ trợ làm, cần thì chụp ảnh cho bọn em, bên em có bộ phận chuyên xử lý hồ sơ mà", nhân viên môi giới cho hay.

Tuy nhiên, theo đại diện chủ đầu tư và thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, 2 dự án trên hiện mới đang tiến hành các thủ tục pháp lý đầu tư, chưa đủ điều kiện để mở bán. Các chủ đầu tư cũng khẳng định, họ không liên quan tới hoạt động chào bán suất mua của các môi giới trên thị trường.

Rủi ro cho người mua nhà ở xã hội qua trung gian

Tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cách đây vài năm, hàng chục khách hàng đã nộp số tiền khoảng vài trăm triệu đồng để mua suất mua nhà ở xã hội tại đây. Nhưng số tiền không nộp trực tiếp cho chủ đầu tư của dự án, mà lại qua một công ty trung gian. Sau đó, họ không hề mua được nhà. Người mua lại phải lặn lội đi kiện.

Dù được tòa tuyên án buộc đơn vị trung gian trả lại tiền, nhưng quá trình nhận được tiền cũng rất gian nan. Từ câu chuyện này cho thấy, nếu việc mua nhà ở xã hội không thông qua trực tiếp chủ đầu tư, sẽ đối mặt rất nhiều rủi ro.

Nhà ở xã hội vốn được hưởng nhiều ưu đãi từ Nhà nước cho nên không giống nhà ở thương mại, người mua phải nộp hồ sơ, chờ xét duyệt, chứng minh mình là người thu nhập thấp và chưa sở hữu nhà ở nào. Nếu số lượng người nộp hồ sơ quá đông, công ty sẽ tiến hành cho bốc thăm. Kết quả còn được Sở Xây dựng địa phương xét duyệt thêm lần nữa.

Đại diện chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Hạ Đình cho biết, dự kiến trong quý II, sau khi hoàn thiện xong thủ tục pháp lý, công ty mới tiến hành nhận hồ sơ của người mua nhà. Các chủ đầu tư cũng cho biết, họ trực tiếp nhận hồ sơ từ khách hàng, không qua đơn vị trung gian nào.

Mua nhà ở xã hội qua trung gian: Rủi ro nào “rình rập” người mua? - Ảnh 2.

Nếu việc mua nhà ở xã hội không thông qua trực tiếp chủ đầu tư, sẽ đối mặt rất nhiều rủi ro. Ảnh minh họa - Dân trí.

Rõ ràng, nhà ở xã hội không phải là sản phẩm được phép tự do mua bán như nhà ở thương mại nhằm đảm bảo quỹ nhà đến đúng tay đối tượng. Thậm chí, người mua nhà cũng phải sau 5 năm mới được chuyển nhượng.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên, tình trạng rao bán suất mua nhà ở xã hội xảy ra bởi nhu cầu mua nhà giá hợp túi tiền của người dân nhiều, mà các dự án giá rẻ, gần trung tâm lại quá ít. Mới đây, tại buổi họp báo Thường kỳ, đại diện Bộ Xây dựng đã có phản hồi về các chế tài xử lý đối với các tiêu cực trong quá trình mua bán nhà ở xã hội, đặc biệt là trong khâu bốc thăm giành quyền mua.

Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Trong trường hợp, nếu có sự không minh bạch trong quá trình bốc thăm thì mặc nhiên được tuyên hủy và coi như giao dịch mua bán không đủ thủ tục pháp lý, người mua có nghĩa vụ trả lại căn hộ cho chủ dự án. Trong trường hợp chủ dự án không thực hiện trách nhiệm này, chính quyền địa phương, cụ thể là UBND tỉnh, trong quy định tại Nghị định 139, có quyền cưỡng chế, thu hồi căn hộ này và trả lại cho chủ dự án".

Theo quy định hiện nay, tại các đô thị, dự án bất động sản có diện tích từ từ 10 ha trở lên phải dành quỹ đất 20% để làm nhà ở xã hội, dành cho người có thu thập thấp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều chủ đầu tư đã nộp xin tiền thay thế hoặc chia nhỏ dự án lớn thành dự án nhỏ có diện tích dưới 10 ha theo quy định, để né tránh việc phải dành quỹ đất xây nhà ở dành cho ngưuời thu nhập thấp.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành như kiến nghị dự án từ 3 ha trở lên tại các đô thị đặc biệt, đã phải dành đất để làm nhà ở xã hội, không phải từ 10 ha như trước. Đây là một trong các giải pháp nhằm tăng thêm nguồn cung nhà ở xã hội, hạn chế cảnh khan hiếm, dẫn đến các tiêu cực như rao bán suất mua tràn lan như hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước