Người dân chật vật đi tìm căn hộ giá rẻ
Có một căn nhà tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để an cư lạc nghiệp là mơ ước của rất nhiều người dân. Tuy nhiên, ước mơ này đang ngày càng trở nên xa vời đối với những người thu nhập trung bình và thấp, thậm chí cả thu nhập khá. Bởi những căn hộ giá tầm 1 - 2 tỷ đồng đang gần như vắng bóng hoàn toàn trên thị trường.
Gia đình chị Hạnh (thành phố Hà Nội) gồm 3 người, sống trong căn nhà vẻn vẹn 30m2, cách trung tâm thành phố hơn 20km. Mấy năm trở lại đây, chị làm lụng tiết kiệm muốn mua một căn hộ chung cư rộng hơn, để cả nhà có thể sống thoải mái. Tuy nhiên, theo chị Hạnh, tiền thì có hạn mà giá chung cư ngày một tăng nhanh.
"Tôi cũng hai lần có ý định mua chung cư rồi nhưng mà vì điều kiện kinh tế cũng hạn chế nên chưa mua được. Giờ chắc cũng chỉ mua được tầm 1 tỷ đồng trở về, phải mua cách trung tâm chục cây số", chị Hạnh nói.
Có một căn nhà tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để an cư lạc nghiệp là mơ ước của rất nhiều người dân. Ảnh minh họa.
Giá chung cư tại các dự án thuộc phân khúc bình dân hiện đã tăng lên mức ngang bằng với phân khúc trung cấp. Cụ thể, nếu trước kia giá nhà thuộc phân khúc bình dân dao động quanh mốc 20 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại mức giá này được đẩy lên đến hơn 30 triệu đồng. Ở Hà Nội, các dự án tại các 4 quận nội thành, hầu như các chung cư chào bán mới đều có giá từ 60 -100 triệu đồng/m2.
Giá căn hộ tăng cao, người muốn mua căn hộ dưới 2 tỷ đồng dường như chỉ có 2 lựa chọn: Một là tìm mua nhà ở xã hội với các tiêu chí ngặt nghèo và số lương cực kỳ ít ỏi; Hai là mua lại các dự án người dân đã vào ở từ cách đây 3-5 năm, nằm ở cách xa trung tâm thành phố.
Ồ ạt rao bán suất mua nhà ở xã hội
Các căn hộ khoảng 60m2, 2 phòng ngủ, có giá chỉ tầm 1 - 1,2 tỷ đồng. Đó là mức giá bán được rất nhiều người mua nhà chấp nhận được và phù hợp với khả năng chi trả của họ. Tuy nhiên, những căn hộ giá bình dân như vậy gần như đang vắng bóng trên thị trường.
Bởi vậy, những căn hộ nhà ở xã hội, gần trung tâm, có vị trí đắc địa đang được "săn đón", ra đến đâu là hết đến đó. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo, nhưng tình trạng rao bán các suất mua nhà ở xã hội vẫn tiếp tục diễn ra tràn lan tại Hà Nội.
Những tấm tôn bao quanh dự án khu nhà ở xã hội Thượng Thanh này từ lâu đã trở thành biển quảng cáo bất đắc dĩ. Chi chít số điện thoại của các cò mồi, hứa hẹn làm giúp hồ sơ mua ở xã hội.
Chi phí từ vài chục, đến hàng trăm triệu đồng, tùy căn. Theo các môi giới, người mua sẽ chắc chắn giành được suất mua, nếu làm thủ tục qua họ.
Phóng viên: Bây giờ đặt cọc được chưa em?
Nhân viên môi giới: Được rồi chị ạ... Chị đi bốc thăm lấy lệ thôi còn thủ tục bọn em lo.
Các môi giới cho biết, vì chỉ nằm cách trung tâm quận Hoàn Kiếm 4km nên dự án này được nhiều người quan tâm. Những lời chào mời tư vấn, hứa hẹn suất mua cũng được đăng tải tràn lan trên một số website bán hàng.
Không chỉ riêng tại dự án này, trước đó, tình trạng rao bán suất mua cũng diễn ra tại dự án nhà ở xã hội Hạ Đình tại ngõ 214 Nguyễn Xiển và dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn trên đường Tố Hữu.
Nhân viên môi giới: "Hồ sơ chỉ cần qua điều kiện như thế, bọn em hỗ trợ làm, bên em có bộ phận chuyên xử lý hồ sơ mà".
Chưa biết thực hư như thế này, nhưng các môi giới khẳng định, đã có nhiều khách hàng tới sử dụng dịch vụ bên họ, để chắc chắn giành được suất mua nhà ở xã hội.
Phản hồi của các chủ đầu tư về rao bán suất mua nhà ở xã hội
Theo ghi nhận thực tế tại một số dự án nhà ở xã hội nằm gần trung tâm đã từng mở bán cho thấy số lượng người nộp hồ sơ luôn vượt quá số căn mở bán. Thậm chí, có dự án có tỷ lệ "chọi" sẽ là 1 chọi 7, hoặc 1 chọi 8. Tức là cứ 7 đến 8 người nộp hồ sơ, chỉ có 1 người bốc thăm được.
Nắm được tâm lý lo lắng sẽ không trúng bốc thăm, các sàn môi giới đã tranh thủ đưa ra các dịch vụ, với lời quảng cáo là người mua chỉ cần "Nộp hồ sơ lấy lệ", còn chắc chắn sẽ giành được suất mua. Tuy nhiên, các chủ đầu tư đã lên tiếng phản hồi về các thông tin này.
Đại diện Liên danh Him Lam Thủ đô và BIC Việt Nam, chủ đầu tư dự án Nhà ở xã hội Thượng Thanh khẳng định, đến thời điểm này, dự án chưa mở bán, chưa nhận hồ sơ và chưa thu bất cứ một khoản phí nào của bất cứ khách hàng nào. Những thông tin trên mạng và các trang web quảng bá bán hàng cho dự án này đều là giả mạo.
Tại một số dự án nhà ở xã hội nằm gần trung tâm đã từng mở bán cho thấy số lượng người nộp hồ sơ luôn vượt quá số căn mở bán. Ảnh minh họa.
Nhà ở xã hội có giá rẻ bởi được hưởng ưu đãi từ phía Nhà nước, như không phải nộp tiền sử dụng đất. Loại hình nhà ở này hướng phục vụ những người có thu nhập thấp và họ sẽ phải chứng minh thu nhập để đảm báo đúng đối tượng. Bởi vậy, hành vi rao bán suất mua, hưởng tiền phí chênh lệch được xem là vi phạm pháp luật
Trước tình trạng rao bán suất mua nhà ở xã hội tràn lan, hiện nay, các chủ đầu tư cũng đã phải nhờ tới sự can thiệp từ phía cơ quan công an và chính quyền địa phương để điều tra, làm rõ các thông tin rao bán.
Theo quy định hiện nay, nếu việc mua bán suất mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, các căn hộ sẽ bị tịch thu lại. Còn người mua và các môi giới sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi của mình.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, người mua có thể tìm kiếm thông tin về tính pháp lý, thời gian mở bán, nhận hồ sơ mua nhà của các dự án nhà ở xã hội trên website của Sở và các chủ đầu tư, tránh tin theo các trang tin mạo danh, chứa đựng nhiều rủi ro.
Bởi thực tế tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Hà Nội, cách đây vài năm, hàng chục khách hàng đã nộp số tiền khoảng vài trăm triệu đồng để mua suất mua nhà ở xã hội tại đây nhưng không nộp trực tiếp cho chủ đầu tư của dự án, mà lại qua một công ty trung gian. Sau đó, họ không hề mua được nhà. Người mua lại phải lặn lội đi kiện. Dù được tòa tuyên án buộc đơn vị trung gian trả lại tiền, nhưng đến nay họ vẫn chưa thể nhận lại được tiền đã nộp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!