Mong muốn tham gia CPTPP, Trung Quốc đang tham vọng điều gì?

Thanh Hiệp (Theo: SCMP, Nikkei Asian Review, CGTN, Reuters)-Thứ tư, ngày 25/11/2020 10:34 GMT+7

VTV.vn - Giới chức Trung Quốc những ngày qua đã nhiều lần khẳng định mong muốn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sau hơn 10 năm chỉ quan sát.

Trung Quốc khẳng định mong muốn tham gia CPTPP

Ngày 23/11, một quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này muốn tiếp xúc với 11 nước thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để sẵn sàng hợp tác gia nhập hiệp định này.

Phát biểu trước báo giới, quan chức ngoại giao trên của Trung Quốc cho rằng khả năng mở rộng thành viên "có thể nằm trong chương trình thảo luận" giữa các quốc gia thành viên của hiệp định, đồng thời hy vọng việc Trung Quốc tham gia CPTPP sẽ sớm được thông qua.

Tuy nhiên, quan chức trên xác nhận chưa có khung thời gian cụ thể cho việc Trung Quốc tham gia CPTPP. Hiện vẫn còn nhiều lo ngại về việc các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh với các thành viên CPTPP sẽ không diễn ra suôn sẻ do những quy định thương mại tự do tiêu chuẩn cao của hiệp định.

Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trực tuyến ngày 20/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo sẽ xem xét nghiêm túc việc gia nhập CPTPP.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh: "Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần phải kiên quyết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, với cốt lõi là Tổ chức Thương mại Thế giới, tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực để sớm hình thành Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Trung Quốc hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và sẽ ưu tiên xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)".

Mong muốn tham gia CPTPP, Trung Quốc đang tham vọng điều gì? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trực tuyến hôm 20/11 (Nguồn: Reuters)

Chủ tịch Trung Quốc cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đóng vai trò dẫn đầu và trợ giúp quá trình toàn cầu hóa kinh tế trở nên rộng mở, toàn diện, cân bằng và có lợi hơn cho tất cả các bên.

Ông cũng kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC nỗ lực hết sức để "hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại tự do và mở cửa cũng như đầu tư, đồng thời giúp cho quá trình toàn cầu hóa kinh tế trở nên rộng mở, toàn diện, cân bằng và có lợi hơn cho tất cả các bên".

Tham vọng hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

So với Hiệp định RCEP mà Trung Quốc vừa tham gia ký kết (chiếm một phần ba dân số thế giới và chiếm 29% GDP toàn cầu), CPTPP được coi là có quy mô nhỏ hơn (với 11 quốc gia và tổng GDP chỉ chiếm khoảng 13% của nền kinh tế toàn cầu).

Tuy nhiên, CPTPP, một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, lại hơn hẳn RCEP khi đưa ra những cam kết cải cách sâu hơn giữa các quốc gia thành viên. Do đó, CPTPP được kỳ vọng có thể giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng chuyển dịch lên tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị chế tạo toàn cầu.

Mong muốn tham gia CPTPP, Trung Quốc đang tham vọng điều gì? - Ảnh 2.

CPTPP, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết cải cách sâu hơn RCEP (Nguồn: Reuters)

Trung Quốc có lý do để tự tin khi được coi là quốc gia vượt qua đại dịch COVID-19 thành công nhất trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo khảo sát của hãng tin Reuters dựa trên thống kê của 37 nhà phân tích công bố vào cuối tháng 10-2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất có tăng trưởng vào năm 2020, với mức tăng dự kiến 2,1%. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ được dự báo có tăng trưởng âm ở mức -3,7%. Do đó, quy mô tương quan giữa nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ sẽ được rút ngắn nhanh hơn sau năm 2020.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đã chỉ ra nhiều rào cản đối với ý định của Trung Quốc. Theo công ty tư vấn Eurasia Group, "CPTPP là một thỏa thuận tham vọng hơn nhiều so với RCEP" và sẽ phải mất nhiều thời gian để Trung Quốc có thể tham gia.

Một trong những lý do quan trọng nhất được cho là hiệp định sẽ ngăn chặn những biện pháp ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà nước, điều mà chính phủ Trung Quốc đang cố gắng bảo đảm.

Dẫu vậy, một số ý kiến khác lại cho rằng thái độ tích cực và cởi mở của Bắc Kinh đối với CPTPP là dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng của nước này trong việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CGTN, Giáo sư John Gong tại trường Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc nhận định đây có thể coi là một bước đi quan trọng để Trung Quốc cải cách các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo rằng nhóm doanh nghiệp này sẽ cạnh tranh một cách bình đẳng với các công ty tư nhân.


Mong muốn tham gia CPTPP, Trung Quốc đang tham vọng điều gì? - Ảnh 4.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ là thách thức lớn đối với nỗ lực gia nhập CPTPP của Trung Quốc (Nguồn: Reuters)

Ông nói: "Tôi cho rằng đây là một bước tiến lớn, quan trọng vì nó có tác động mạnh mẽ đến định hướng cải cách và mở cửa hơn nữa trong tương lai của Trung Quốc. Nếu chúng ta so sánh giữa RCEP và CPTPP, trong tất cả những điểm khác biệt, tôi nghĩ có một điều rất quan trọng là về vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước.

Theo tôi, đây là vấn đề gai góc nhất và Trung Quốc đã sẵn sàng giải quyết vấn đề đó, sẵn sàng thảo luận về vấn đề doanh nghiệp nhà nước và làm cho nó ít gây trở ngại hơn đối với các mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới".

Biến mối đe dọa chiến lược thành lợi thế cạnh tranh với Mỹ

Quan trọng hơn, với việc công khai tuyên bố muốn tham gia CPTPP, Trung Quốc dường như đang cố gắng biến thỏa thuận này từ một mối đe dọa chiến lược thành một lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Bắc Kinh đã chủ yếu giữ thái độ thận trọng quan sát bên lề khi các cuộc đàm phán TPP do Mỹ dẫn dắt được bắt đầu hồi năm 2009 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Việc hiệp định TPP được ký kết hồi năm 2016 càng khiến Bắc Kinh tỏ ra lo ngại trước viễn cảnh bị gạt ra ngoài lề trong thương mại khu vực. Việc Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ RCEP, một thỏa thuận thương mại với 15 quốc gia châu Á không bao gồm Mỹ, được coi là một trong những cách thức để nước này ứng phó với những ảnh hưởng từ TPP.

Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung được dự báo vẫn sẽ căng thẳng ngay cả khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ, giới chức Bắc Kinh đang muốn đảm bảo rằng họ, chứ không phải Washington, sẽ đi đầu trong việc thiết lập các quy tắc về thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mong muốn tham gia CPTPP, Trung Quốc đang tham vọng điều gì? - Ảnh 6.

Quan hệ thương mại Mỹ - Trung được dự báo vẫn sẽ căng thẳng ngay cả khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Trên thực tế, ảnh hưởng kinh tế của Mỹ tại khu vực châu Á đã liên tục suy giảm trong vòng một thập kỷ qua, đặc biệt là sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump nghiêng về các chính sách bảo hộ và quyết định rút khỏi hiệp định TPP. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đang không ngừng củng cố vị thế của mình và hiện đang đứng ngang hàng với Mỹ trên khía cạnh điểm đến xuất khẩu.

Các số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho thấy xuất khẩu sang Trung Quốc từ 18 thành viên APEC đã đạt 1,07 nghìn tỷ USD trong năm 2019, bằng 90% con số của Mỹ. Nước này hiện cũng đang đẩy mạnh các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do ba bên với Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm hướng tới việc hội nhập sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực, giảm bớt sức ép từ Mỹ.

Với việc ngỏ ý gia nhập CPTPP, Trung Quốc một lần nữa chứng tỏ vị thế cường quốc kinh tế, ngọn cờ lãnh đạo chủ nghĩa thương mại đa phương của mình, điều hoàn toàn tương phản với "hình ảnh đơn độc" của nước Mỹ mà các chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump đem lại.

Trong trường hợp chính quyền mới của Mỹ thay đổi chính sách về CPTPP, động thái mới của Bắc Kinh cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng mới cho đối thoại kinh tế với Washington.

Trước đó, ông Joe Biden cả trong chiến dịch tranh cử và trong các cuộc tranh luận tổng thống, cho biết ông để ngỏ việc Mỹ tham gia CPTPP nhưng nhấn mạnh rằng ông muốn thương lượng lại các điều khoản. Tuy nhiên, ngay cả khi chính quyền mới tìm cách đưa nước Mỹ quay trở lại với hiệp định CPTPP, mọi thứ cũng sẽ không dễ dàng trong bối cảnh phe Cộng hòa vẫn chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ. 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thừa nhận ông không chắc liệu nước Mỹ có quan tâm hơn đến việc tham gia CPTPP dưới thời ông Biden hay không bởi điều này "còn phụ thuộc vào tình hình chính trị nội bộ của Mỹ".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước