Cuối tuần này đã có 3 doanh nghiệp thuộc nhóm 100 công ty quảng cáo nhiều nhất trên Facebook, quay lưng với mạng xã hội này đó là Microsoft, Starbucks và Pfizer.
Facebook đang mang lại một nguồn thu rất lớn cho các doanh nghiệp. Vậy mạng xã hội này đã làm gì nên "tội"?
Nhiều DN tẩy chay Facebook bằng cách rút quảng cáo trên mạng xã hội này. (Ảnh minh họa: News break)
Facebook - cỗ máy quảng cáo khổng lồ
Mỗi ngày, có 2 tỷ người dùng các ứng dụng thuộc "gia đình" Facebook, điển hình là Facebook và Instagram, tức hơn 1/4 dân số thế giới. Những cư dân của "vương quốc" Facebook có vẻ như vẫn gia tăng, bất chấp các bê bối, scandal gần đây nhưng không ai phải trả bất kì loại phí nào để dùng các ứng dụng này. Vậy Facebook làm thế nào để tồn tại?
Facebook hiện có hơn 2 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng. Ảnh: Reuters
Năm 2018, 99% doanh thu Facebook đến từ quảng cáo. Có khoảng 8 triệu doanh nghiệp lớn nhỏ đang trả tiền để quảng cáo sản phẩm trên Facebook. Loại hình quảng cáo của Facebook và instagram được cho là hiệu quả và tinh tế hơn so với quảng cáo trên tivi hay báo giấy khi nhắm trúng đích nhóm người tiêu dùng cho mỗi sản phẩm.
Không cần nghe trộm, Facebook vẫn nắm được sở thích, khuynh hướng tiêu dùng của người dùng nhờ chức năng phân tích dữ liệu Facebook Pixel. Và những dữ liệu này chính là "mỏ vàng" mà Facebook biến thành doanh thu, lên đến 70 tỷ USD trong năm 2019.
Mối quan hệ "phức tạp" giữa Facebook và doanh nghiệp
Tuy mối quan hệ giữa doanh nghiệp và facebook là cả hai bên cùng có lợi nhưng có thể nói các tập đoàn, doanh nghiệp, không cảm thấy mặn mà gì với Facebook. Bằng mặt mà không bằng lòng - theo Politico đó là cách mô tả chính xác mối quan hệ phức tạp giữa các doanh nghiệp và các nền tảng cung cấp không gian quảng cáo như Facebook.
Trên thực tế, trong suốt một thời gian dài, cho dù là quảng cáo trên TV hay báo chí truyền thống, các doanh nghiệp thường có cảm giác mình là bên bị thiệt thòi, có xu hướng coi việc phải trả tiền mua không gian quảng cáo giống như một khoản thuế phải nộp, ảnh hưởng đến doanh thu của họ.
Với những nền tảng số như Facebook hay Google, ác cảm này thậm chí còn tăng gấp bội, bởi sự độc quyền ở mức độ chưa từng có, vượt xa báo chí hay TV. Với mối quan hệ như thế, rõ ràng các doanh nghiệp lớn sẽ không muốn danh tiếng của mình bị tổn hại vì gắn liền với những bê bối của Facebook.
"Với tư cách là một doanh nghiệp, chúng tôi muốn thấy quảng cáo của mình được hiển thị bên cạnh những thông tin tốt nhất chứ không phải những thứ tồi tệ nhất. Vì vậy, chúng tôi đang có những cuộc đối thoại với Facebook để giải quyết vấn đề này", ông Brad Smith - Chủ tịch tập đoàn Microsoft nói.
Facebook đang hứng chịu đợt tẩy chay từ các đối tác lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: BBC.
Thậm chí, càng dứt khoát ngừng quảng cáo và tham gia vào phong trào tẩy chay Facebook sớm bao nhiêu, các doanh nghiệp lớn càng có thể nâng cao vị thế đạo đức của mình trong mắt khách hàng và công chúng bấy nhiêu.
Ông Bill Koenigsberg - Giám đốc điều hành Công ty truyền thông Horizon Media nói: "Sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn tạm ngừng quảng cáo trên Facebook. Họ không muốn mình trở thành người duy nhất còn ở lại trong khi những người khác đã rời đi".
Dĩ nhiên, điều này cũng sẽ mang lại một số tổn thất cho doanh nghiệp, bởi không quảng cáo cũng đồng nghĩa với việc không thể giới thiệu sản phẩm và bán được nhiều hàng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong thời điểm hiện nay, con số tổn thất sẽ là cực nhỏ khi mà doanh số bán hàng của các doanh nghiệp vốn dĩ đã giảm mạnh do dịch bệnh, kinh tế suy thoái và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Do đó, ngừng quảng cáo, tẩy chay Facebook sẽ là một chiến lược hại thì ít, mà lợi lại rất nhiều của các công ty lớn trong thời điểm hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!