Mở cửa du lịch thế nào để không lỡ nhịp hồi phục?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/03/2022 06:58 GMT+7

VTV.vn - Ngành du lịch đang nỗ lực đón khách quốc tế trở lại từ ngày 15/3, nhưng hiện lại như "ngồi trên lửa" với đề xuất siết chặt điều kiện khách nhập cảnh của một số bộ ngành.

Theo lộ trình đã được lãnh đạo Chính phủ thông qua cách đây 3 tuần, du lịch Việt Nam sẽ hoàn toàn mở từ 15/3, nghĩa là tất cả các địa phương đều được phép đón khách quốc tế, thay vì chỉ có 7 địa phương thí điểm như hiện nay.

Đây được xem là dấu mốc quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch. Tuy nhiên, về điều kiện, thủ tục cụ thể đón khách như thế nào hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất các điều kiện đơn giản, thông thoáng, nhưng một số bộ ngành, đặc biệt Bộ Y tế lại cho rằng cần siết chặt yêu cầu để phòng dịch, tạo nên nhiều băn khoăn, lo lắng cho các doanh nghiệp, địa phương.

Gỡ bỏ rào cản đón khách quốc tế

Mở cửa du lịch thế nào để không lỡ nhịp hồi phục? - Ảnh 1.

Bộ Y tế đưa ra đề xuất trong vòng 24 giờ đầu, hành khách không rời khỏi nơi lưu trú ngay cả khi nhập cảnh vào Việt Nam có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính; đồng thời đưa ra khuyến cáo khách quốc tế không ra khỏi nơi cư trú trong vòng 72 giờ. Trường hợp ngày thứ 2 và 3, khách cần rời khỏi nơi lưu trú, phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày.

"Nếu chúng ta vẫn áp dụng biện pháp cách ly 3 ngày thì đây sẽ là điều kiện không hấp dẫn du khách và cũng làm giảm tính cạnh tranh sản phẩm du lịch với Việt Nam", bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc Ascend Travel & Media, đánh giá.

Ngoài hàng rào kỹ thuật về cách ly, xét nghiệm, Bộ Y tế cũng khuyến cáo nhóm khách từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền hạn chế đi du lịch. Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch muốn đón cả nhóm khách này, chỉ cần người đi cùng bảo hộ đáp ứng đủ điều kiện phòng chống dịch.

"Những quy định này sẽ một lần nữa đưa du lịch quốc tế về lại vạch xuất phát và hiệu quả truyền thông cho chủ trương lớn của Chính phủ là mở cửa du lịch quốc tế từ 15/3 sẽ không còn nhiều ý nghĩa", ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhận định.

Phương án đón khách chính thức sẽ được Chính phủ phê duyệt trước khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3.

Thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam

Ngày 17/11/2021, 29 du khách từ nhiều quốc gia đã đến Hội An (tỉnh Quảng Nam), mở đầu cho chương trình thí điểm đón khách quốc tế trở lại Việt Nam, sau hơn 20 tháng đóng cửa vì COVID-19. Sau đó, nhiều đoàn khách cũng đã tới Khánh Hòa và Phú Quốc.

Hiện có 7 địa phương được tham gia thí điểm đón khách quốc tế gồm: Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và Bình Định.

Chương trình thí điểm đón khách quốc tế bắt đầu từ tháng 11/2021, được chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: từ tháng 11/2021: Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế. 5 địa phương đầu tiên được đón khách là: thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.

- Giai đoạn 2 từ tháng 1/2022: Mở rộng số địa phương được đón khách, ngoài 5 tỉnh trên có thêm TP Hồ Chí Minh và Bình Định.

- Giai đoạn 3: từ 15/3: Mở cửa hoàn toàn, tất cả các địa phương đều được đón khách.

Mở cửa du lịch thế nào để không lỡ nhịp hồi phục? - Ảnh 3.

Khách du lịch tham quan Cầu Vàng - Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)

Kết quả, sau hơn 3 tháng thí điểm, có hơn 9.000 khách quốc tế đến Việt Nam. 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế tăng 71% so với cùng kỳ năm trước

Các nước mở cửa du lịch

Trong thời gian gần đây, một loạt quốc gia đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới, trong đó có cả một số nước vốn duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất trên thế giới nhằm khống chế đại dịch.

Các chuyên gia nhận định thế giới đang bước vào giai đoạn mới của đại dịch, với phương châm "lạc quan thận trọng".

Miễn cách ly nhập cảnh vào Bali từ 14/3

Indonesia sẽ thử nghiệm chương trình miễn cách ly du khách quốc tế đến Bali từ 14/3, nhưng có thể bắt đầu sớm hơn nếu số ca lây nhiễm giảm.

Nếu thử nghiệm thành công, Indonesia sẽ mở cửa toàn bộ đất nước và đón khách không cần cách ly từ tháng 4.

Dù không phải cách ly theo quy định mới, khách quốc tế đã tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn tuân thủ một số yêu cầu.

Họ phải xuất trình bằng chứng thanh toán tiền phòng khách sạn; xét nghiệm PCR tại sân bay và đợi kết quả tại khách sạn. Nếu âm tính, du khách vẫn phải xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3 sau khi nhập cảnh.

Nhật Bản tiếp tục nới lỏng kiểm soát biên giới

Cũng từ ngày 14/3 tới, số lượng người được phép nhập cảnh Nhật Bản sẽ nâng từ mức 5.000 người mỗi ngày hiện nay lên 7.000 người. Nhật Bản sẽ ưu tiên cấp phép nhập cảnh cho các sinh viên nước ngoài.

Mặc dù nới lỏng kiểm soát biên giới nhưng ở trong nước, Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ quan điểm thận trọng khi quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm 2 tuần ở 18 trong tổng số 31 tỉnh,thành.

Châu Âu mở cửa đón khách du lịch nước ngoài

Từ 1/3, Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm 2 mũi vaccine. Mũi thứ 2 cách ngày nhập cảnh ít nhất 2 tuần và không quá 270 ngày. Những người đã tiêm quá 9 tháng phải tiêm mũi tăng cường. Người khỏi COVID-19 và phục hồi trong vòng 180 ngày cũng được chấp thuận. Trước ngày 1/3, EU từ chối tiếp nhận khách nhập cảnh với lý do không cần thiết.

Trên thực tế, quyết định mở của hoàn toàn du lịch từ 15/3 không có nghĩa là sẽ ngay lập tức có khách quốc tế, khi mùa cao điểm đã đi qua.

Hiện là giai đoạn chào bán tour, khách cũng cần có thời gian lên lịch trình, chuẩn bị. Do vậy, trong thời gian sớm nhất cần có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, chính thức và một cơ chế, chủ trương thống nhát cho toàn ngành. Việc đó giúp tiết kiệm chi phí marketing, truyền thông và cũng là cách giữ uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu cứ nửa vời thì không chỉ lãng phí nỗ lực chuẩn bị nhiều tháng qua, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới 2,5 triệu lao động của ngành công nghiệp không khói này, đồng thời mục tiêu đạt 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 có thể sẽ chỉ là kế hoạch phiêu lưu.

Nếu những đề xuất của Bộ Y tế được áp dụng sẽ tác động thế nào tới du lịch Việt Nam trong thời gian tới?

Ngoài Bộ Y tế, Bộ Công an cũng đề xuất yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành "Xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt", yêu cầu này có hợp lý không?

Cần có quyết sách ra sao để mở của du lịch an toàn, nhưng không lỡ mất thời cơ hồi phục và cạnh tranh?

Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (8/3) với sự tham gia của TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch. Mời quý vị theo dõi video trên!

Mở cửa hoàn toàn du lịch: Sự phục hồi liệu có dễ dàng? Mở cửa hoàn toàn du lịch: Sự phục hồi liệu có dễ dàng?

VTV.vn - Theo kế hoạch, từ ngày 15/3, Việt Nam sẽ mở cửa lại hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài như trước khi có đại dịch COVID-19. Sự phục hồi du lịch có thực sự dễ dàng?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước