Ở nhiều quốc gia, việc gian lận về xuất xứ hàng hóa sẽ bị phạt lên tới hàng triệu USD, thậm chí còn xử lý hình sự. Còn ở Việt Nam, quy định này mới chỉ bắt buộc với nhóm hàng xuất khẩu, còn sản xuất để tiêu dùng trong nước vẫn còn bị bỏ ngỏ. Hiện Thông tư quy định về xuất xứ hàng hóa mới được dự thảo nhưng đã nhận được sự ủng hộ của phần lớn các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần có những quy định cụ thể hơn để chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Theo nhiều nhà phân tích, việc quy định rõ ràng như thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hay hàng Việt Nam sẽ đạt được nhiều mục tiêu như: Chỉ dẫn xuất xứ cho người tiêu dùng, kích thích sản xuất trong nước, tăng nguồn thu ngân sách và minh bạch thị trường hàng hóa.
Theo dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương, doanh nghiệp có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ: "Sản phẩm của Việt Nam" hoặc "Sản phẩm Việt Nam"; "Hàng hóa của Việt Nam" hoặc "Hàng hóa Việt Nam"; "Hàng Việt Nam"; "Sản xuất tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam sản xuất"; "Chế tạo tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tạo"; "Chế tác tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tác"...
Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định. Do đó việc ban hành Thông tư sẽ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng, loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!