McDonald's, Amazon... buộc tăng lương để hút lao động

Việt Linh-Thứ hai, ngày 17/05/2021 12:24 GMT+7

VTV.vn - Trước tình trạng nhiều người không mặn mà đi làm trở lại, nhiều doanh nghiệp tại Mỹ phải đưa ra chính sách tăng lương nhằm lôi kéo người lao động.

Tại Mỹ, thị trường lao động vừa ghi nhận kết quả không mấy tích cực khi chỉ có hơn 260.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 4. Nguyên nhân là do nhiều người không mặn mà đi làm trở lại hoặc xin việc, do trợ cấp phúc lợi còn khá dồi dào.

Cuối tuần vừa qua, ông lớn đồ ăn nhanh McDonald's thông báo sẽ tăng thêm khoảng 10% lương theo giờ cho nhân viên tại hơn 600 cửa hàng do hãng trực tiếp quản lý tại Mỹ. Mức lương sẽ được nâng lên 11 USD/giờ trở lên với nhân viên mới và 15 USD trở lên với cấp quản lý ca.

Hãng cũng lên kế hoạch sẽ tuyển thêm khoảng 10.000 nhân viên trả lương theo giờ trong vòng 3 tháng tới với mức lương cao hơn.

Không chỉ McDonald's, nhiều chuỗi nhà hàng khác như Taco Bell hay Chipotle cũng có động thái tương tự, khi mà nhà hàng khách sạn đang là lĩnh vực tuyển dụng lao động mới tốt nhất tại Mỹ thời gian gần đây.

McDonalds, Amazon... buộc tăng lương để hút lao động - Ảnh 1.

Ông lớn đồ ăn nhanh McDonald's thông báo sẽ tăng thêm khoảng 10% lương theo giờ cho nhân viên tại hơn 600 cửa hàng tại Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)

"Dù vẫn còn khá thấp so với trước đại dịch, nhưng lĩnh vực nhà hàng khách sạn đã có sự tăng trưởng việc làm ổn định thể hiện trong báo cáo tháng 4, một tín hiệu tích cực khi nhiều ngành khác như xây dựng vẫn đang khá chậm chạp trong việc tuyển dụng", ông Nick Bunker, nhà nghiên cứu trưởng, hãng tuyển dụng nhân sự Indeed, cho biết.

Một tên tuổi khác là tập đoàn thương mại điện tử Amazon cũng lên kế hoạch tăng lương từ 0,3 - 5 USD/giờ, đồng thời tuyển thêm tới 75.000 nhân công mới kèm hỗ trợ 100 USD/người để tiêm chủng.

Đây được xem là những bước đi khó tránh khỏi của các doanh nghiệp nói chung, để thu hút người lao động đi làm lại khi mà nguồn cung nhân lực sẵn có vẫn khá hạn hẹp.

"Dù là McDonald's, Amazon hay các công ty nhỏ hơn thì cũng cần điều chỉnh để có đủ nguồn nhân sự cho việc kinh doanh của mình, nếu không muốn bị ảnh hưởng đến doanh thu. Việc này sẽ còn diễn ra trong tương lai và các doanh nghiệp sẽ không có nhiều lựa chọn khác", ông Mark Hamrick, chuyên gia kinh tế thuộc hãng dịch vụ tài chính Bankrate, nhận định.

Nước Mỹ hiện vẫn thiếu tới 8 triệu việc làm so với giai đoạn trước đại dịch. Lôi kéo người lao động trở lại với công việc sau nhiều tháng sống nhờ trợ cấp thất nghiệp và các khoản hỗ trợ từ chính phủ vẫn sẽ là bài toán đau đầu mà giới doanh nghiệp Mỹ phải giải quyết.

Mất việc vì COVID-19, nhiều lao động Mỹ chật vật vượt qua khủng hoảng Mất việc vì COVID-19, nhiều lao động Mỹ chật vật vượt qua khủng hoảng

VTV.vn - Mất thu nhập, mất việc, mất cả kế sinh nhai - hệ lụy này vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu của giới chức Mỹ, khi đà phục hồi của quốc gia này vẫn chưa hoàn thiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước