Thụy Sỹ dự đoán cần 15 năm để trả khoản nợ tăng thêm do COVID-19 (Nguồn: The Local)
Khoản nợ 21 tỷ USD vì COVID-19
Trả lời phỏng vấn mới đây trên đài SRF, Bộ trưởng tài chính Thụy Sỹ Ueli Maurer cho hay cần từ 2-3 năm nữa để Thụy Sỹ mới có thể bắt đầu giảm khối nợ từ gói hỗ trợ ứng phó COVID-19 và thời gian để trả nợ sẽ lên tới 15 năm.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Ueli Maurer (Nguồn: Swissinfo)
Theo ông Maurer, trong kịch bản lạc quan nhất khi mọi việc "diễn biến rất tốt" thì khoản nợ công tăng thêm dành cho các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và thuê lao động ngắn hạn vẫn lên đến 20 tỷ franc Thụy Sỹ (khoảng hơn 21 tỷ USD). Con số này có thể dao động đến 35 tỷ franc tùy theo các kịch bản khác nhau nhưng các dự đoán vẫn là chưa chắc chắn.
Dù vậy, con số này vẫn sẽ thấp hơn so với ước tính ban đầu của chính phủ Thụy Sỹ là khoảng 40 tỷ franc cho các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung.
Bộ trưởng tài chính Thụy Sỹ: "Chúng tôi không in tiền để trả nợ cho chính phủ!"
Gói kích thích trên chỉ là một phần trong các khoản chi có tổng trị giá khoảng 65 tỷ franc Thụy Sỹ (gần 67 tỷ USD) đã được nước này chi ra từ đầu dịch. Thực tế, con số này là rất nhỏ khi so sánh với các gói kích thích được nhiều nền kinh tế lớn đưa ra. Mỹ thông qua gói hỗ trợ kỷ lục 2300 tỷ USD. Nhật Bản cũng 2 lần thông qua ngân sách ứng phó dịch, mỗi lần trị giá khoảng hơn 900 tỷ USD.
Tuy nhiên với quốc gia giàu có này, kỷ luật chi tiêu ngân sách vẫn là một ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng Tài chính Maurer cho hay Thụy Sỹ sẽ không tăng thuế nhằm trả nợ cho chính phủ và cách thức trả khoản nợ công phát sinh sẽ được quyết định trong năm nay.
Một lựa chọn đang được xem xét là lấy tiền trả nợ từ khoản chia lợi nhuận hàng năm của Ngân hàng quốc gia Thụy Sỹ (SNB) cho chính phủ nước này. Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sỹ cũng phủ nhận khả năng sẽ đề nghị SNB chi một khoản đặc biệt phục vụ trả nợ như một số đồn đoán.
Đề cập đến vấn đề này, bộ trưởng tài chính Maurer khẳng định: "Chúng tôi không in tiền để trả nợ cho chính phủ. Ngân hàng trung ương cần có tính độc lập và có nguồn tài sản khi cần thiết để can thiệp vào thị trường tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của chúng tôi".
Theo ước tính, thâm hụt ngân sách do COVID-19 của Thụy Sỹ có thể lên đến 1 tỷ franc và nền kinh tế nước này cũng sẽ chịu mức sụt giảm 7% trong năm nay. Dù đang được xem là một trong những nước kiểm soát COVID-19 tốt nhất châu Âu với chỉ khoảng 32.000 ca mắc nhưng số ca nhiễm mới đang tăng trở lại trong vài ngày gần đây từ khi tái mở cửa, gây lo ngại về làn sóng dịch thứ hai có thể tiếp tục quét qua Thụy Sỹ. Vậy nên, hướng xử lý thận trọng và bình tĩnh của chính phủ Thụy Sỹ nhằm kiểm soát ngân sách có thể lại là quyết định sáng suốt!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!