Giải phóng mặt bằng, lập khu tái định cư cho dự án cao tốc
Phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam. Đến nay, Chính phủ trong nhiệm kỳ này đã bố trí được 480.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, từ nhiều nguồn; trong đó dành nguồn lực lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với quyết tâm làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây.
Mới đây, 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng đã đồng loạt khởi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tuyến cao tốc có chiều dài hơn 188 km và chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập.
Để dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra, các địa phương tập trung thực hiện các kế hoạch, dứt điểm các phần việc còn lại. Trong đó, tỉnh Hậu Giang đang tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Khu vực diễn ra lễ khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ- Sóc Trăng. (Ảnh: PLO)
Vừa nhận được số tiền bồi thường gần 2.500 m2 đất trong dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ông Mưu (xã Tân Hòa, Châu Thành A, Hậu Giang) rất phấn khởi vì số tiền được đền bù sát giá thị trường. Phần đất bị ảnh hưởng, ông chủ động bàn giao mặt bằng sớm cho cho địa phương sau khi có quyết định.
"Nhà nước đền bù đợt này, người dân thấy thoải mái bởi vì phải chăng với giá trị ở ngoài nên dân cũng phấn khởi. Thấy đường cao tốc từ An Giang xuống Sóc Trăng, tuyến nó rút ngắn. Thứ hai là vận chuyển hàng hóa của nông dân được nhanh", ông Phan Văn Mưu, xã Tân Hòa, Châu Thành A, Hậu Giang, chia sẻ.
Tính đến nay, tỉnh Hậu Giang đã bàn giao gần 100% mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Còn tuyến thứ hai là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh sẽ tiếp tục vận động người dân bàn giao 16% diện tích đất còn lại để chủ đầu tư triển khai dự án. Tỉnh cũng tiếp tục đẩy nhanh việc di dời các hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông… để đảm bảo tiến độ dự án.
Song song với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tỉnh Hậu Giang cũng gấp rút triển khai quỹ đất tạo lập 6 khu tái định cư cho 2 dự án, tương đương với khoảng 1.200 nền.
Một trong hai quỹ đất được tỉnh Hậu Giang bố trí làm khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, với gần 100.000 m2 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 8 tới đây.
Còn đối với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tỉnh quy hoạch 4 khu tái định cư tại 4 huyện có dự án đi qua. Hiện tỉnh đã hoàn tất bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đang triển khai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
"Một số hộ dân chưa có tái định cư kịp thời thì đẩy nhanh thực hiện các khu tái định cư, để đảm bảo đủ điều kiện cho bà con vào khu tái định cư với nơi, vị trí tốt hơn nơi bà con đã sinh sống trước đây", ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.
UBND tỉnh cho hay, kế hoạch giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư sẽ được hoàn thành trước một tháng so với chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời, điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp nhưng phải đảm bảo tính công bằng trong quá trình tổ chức triển khai, đảm bảo quyền lợi cho người bị ảnh hưởng khi thực hiện thu hồi đất.
6 tuyến cao tốc thay đổi Đồng bằng sông Cửu Long
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.
Các trục ngang cao tốc của ĐBSCL sẽ gồm tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm phía nam sông Hậu vừa được khởi công. Tuyến thứ hai là cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188 km nằm phía bắc sông Hậu. Còn lại trục ngang cuối cùng sẽ kết nối Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km.
Trong khi đó, tuyến cao tốc trục dọc đầu tiên là cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 245 km từ Long An đến Cà Mau. Trục dọc thứ 2 là cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 180 km. Cuối cùng là tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150 km, là một trục dọc phía Đông, kết nối các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
Mạng lưới cao tốc kích hoạt phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế cả nước. Theo ước tính từ các chuyên gia, chỉ cần tăng 10% chất lượng hạ tầng tại khu vực phía Nam, sức hút đầu tư sẽ tăng lên tới gần 25%. Do đó, nếu mạng lưới 6 tuyến cao tốc tại ĐBSCL hoàn thành đúng kế hoạch, khu vực sẽ có sự thay đổi diện mạo lớn về đô thị và kinh tế.
Là địa phương nằm trên trục cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang đánh giá khi dự án đưa vào hoạt động sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của tỉnh. Tuyến cao tốc sẽ mở ra không gian và cơ hội mới để tỉnh thu hút nguồn lực đầu tư.
"Đây là cơ hội cho Hậu Giang huy động các nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào các khu công nghiệp. Tạo công ăn việc làm cho người dân tại tỉnh Hậu Giang, tăng thu ngân sách, trên tiêu chí là phải đảm bảo yếu tố về môi trường", ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết.
Với nhiều lợi thế về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch… gắn với hành lang kinh tế, cùng với các tuyến cao tốc đang và sắp triển khai, đánh giá từ các đơn vị nghiên cứu, ĐBSCL sẽ kích hoạt các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Từ đó, diện mạo toàn vùng sẽ thay đổi cho kỳ tăng trưởng mới.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009 vừa chính thức đi vào hoạt động năm 2022. (Ảnh: thesaigontimes)
"Đây chính là cơ hội để thúc đẩy kinh tế vùng, ở đây chúng ta nói về các ngành thế mạnh của vùng, nhưng bên cạnh đó chúng ta thấy việc giao thương, kinh doanh mua bán sẽ tăng tần suất ở việc chúng ta giao dịch với các đối tác nước ngoài trong trường hợp chúng ta có hạ tầng giao thông tốt, chế biến nông sản tại chỗ", Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư Savills Việt Nam, đánh giá.
Theo định hướng mạng lưới giao thông của Bộ Giao thông Vận tải, các tuyến giao thông đường bộ sẽ đóng vai trò liên kết vùng. Còn hệ thống đường thủy nội địa, cảng biển… sẽ trở thành đầu mối để xuất nhập khẩu hàng hóa đi theo đường biển. Đến năm 2030, 6 tuyến cao tốc dự kiến sẽ hoàn thiện. Đây là tiền đề quan trọng giúp các địa phương thu hút đầu tư.
"Hiện nay, ĐBSCL là địa phương duy nhất có đủ hệ thống quy hoạch từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương. Do đó, các quy hoạch còn lại như quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu khác phải bám sát quy hoạch đã phê duyệt để làm sao phát huy tối đa hạ tầng đã được đầu tư theo quy hoạch", ông Phan Hoàng Phương, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, nhận định.
Có thể thấy, liên kết vùng kinh tế hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào kết nối giao thông. Nhiều năm qua, hạ tầng giao thông là rào cản không nhỏ đến việc phát huy năng lực của vùng ĐBSCL, đặt trong bối cảnh hiện nay càng đặc biệt hơn. Các dự án hạ tầng giao thông không chỉ thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế, mà còn là yếu tố then chốt để phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Đến thời điểm này, ĐBSCL đã hoàn thành đưa vào khai thác 90 km, đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458 km. Như vậy, đến năm 2025, toàn vùng có khoảng 550 km đường bộ cao tốc. Đây là động lực để vùng đồng bằng phát huy tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành trung tâm kinh tế năng động và hiệu quả trong cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!