Lợi nhuận thấp, doanh nghiệp không còn mặn mà cung ứng xăng dầu

Kate Trần-Thứ hai, ngày 17/06/2024 06:14 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận cực thấp, thậm chí không có để duy trì hoạt động.

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp đã và đang có xu hướng rời bỏ thị trường xăng dầu, do lợi nhuận thì ít còn khó khăn thì nhiều.

Số doanh nghiệp rời thị trường có xu hướng gia tăng

Theo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thương nhân phân phối là các đơn vị mua xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối. Ngoài tự tiêu thụ tại các cửa hàng bán lẻ của mình, đơn vị này còn tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc hoặc thông qua các bên nhượng quyền để bán lẻ xăng dầu.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công thương, trong 5 tháng đầu năm đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 16 doanh nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Nam. Lý giải nguyên nhân, Bộ này cho biết do các doanh nghiệp này tự nhận thấy mình không đủ điều kiện nên đã chủ động trả lại giấy chứng nhận để cơ quan quản lý nhà nước thu hồi.

Lợi nhuận thấp, doanh nghiệp không còn mặn mà cung ứng xăng dầu - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận cực thấp, thậm chí không có để duy trì hoạt động.

Như vậy, tính đến nay, nước ta còn 298 thương nhân tham gia kinh doanh xăng dầu. So với lúc cao điểm của năm 2023 là 330 thương nhân, thì tổng số doanh nghiệp rời thị trường là 32 đơn vị. Trong số này, có cả doanh nghiệp lớn bị Bộ Công thương thu hồi giấy phép kinh doanh do sai phạm, liên quan đến thuế và Quỹ bình ổn xăng dầu là Công ty Xuyên Việt Oil (bị thu hồi tháng 8/2023) và Hải Hà Petro (bị thu hồi tháng 1/2024)…

Chia sẻ với báo giới cụ thể hơn về hiện tượng nêu trên, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, trước đó Bộ Công thương đã đề nghị các thương nhân đầu mối, phân phối báo cáo về điều kiện kinh doanh theo quy định. Qua rà soát cho thấy, nhiều đơn vị không duy trì được các điều kiện này nên đã chủ động trả lại giấy chứng nhận.

Ước tính trong quý II, tổng nguồn nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương nhân sản xuất và kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất đã đăng ký; tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quí đã đăng ký.

Cũng theo thông tin từ Vụ thị trường trong nước, sau khi trả lại giấy chứng nhận làm thương nhân phân phối, nếu tiếp tục kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức khác như làm đại lý bán lẻ cho thương nhân khác và các cửa hàng vẫn hoạt động bình thường. Nếu không tiếp tục kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp có thể chuyển nhượng hoặc cho thuê cơ sở vật chất.

Doanh nghiệp "đau đầu" vì nhiều khó khăn

Theo khảo sát của phóng viên VTVTimes, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, trong suốt một thời gian dài vừa qua họ phải chấp nhận lợi nhuận cực thấp, thậm chí không có để duy trì hoạt động. Mặc dù hiện tại chiết khấu bán lẻ xăng dầu đã tăng, doanh nghiệp đã đảm bảo trả lương cho người lao động, tiền thuê mặt bằng và các khoản chi phí khác, song vẫn còn đối diện rất nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp nhấn mạnh hiện có nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu còn bất cập, gây khó khăn và chưa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ trên thị trường luôn trong tình trạng bấp bênh. Thậm chí nhiều doanh nghiệp căng thẳng, đau đầu mỗi lần giá xăng dầu điều chỉnh.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cơ chế giá đang tính ngược từ khâu bán lẻ lên trên. Vì vậy đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên là các doanh nghiệp bán lẻ.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động thua lỗ trong kinh doanh, từ đầu mối đến tất cả các khâu thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu nên nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy hàng của các đại lý, dẫn đến các doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.

Hơn thế nữa, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao, trong khi chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành, nên doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ. 

Ở khía cạnh khác, thực tế cho thấy, tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD và Việt Nam đồng tăng gây ảnh hưởng đến giá nhập khẩu khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng lớn, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước