Liều thuốc nào “đặc trị” cho giải ngân vốn đầu tư công?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 16/06/2021 06:08 GMT+7

VTV.vn - Đầu tư công được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên gần hết nửa đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt hơn 20% kế hoạch.

Nhiều bộ ngành, địa phương chưa giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài

Xác định rõ tầm quan trọng của đầu tư công trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 5 vừa qua, cả nước mới giải ngân được gần 117.500 tỷ đồng gồm cả vốn năm 2020 chuyển sang, đạt hơn 20% kế hoạch. Đây là kết quả còn khá thấp. Đặc biệt, nguồn vốn nước ngoài ODA, vốn vay ưu đãi mới chỉ đạt khoảng 8%. Thậm chí, hàng chục Bộ ngành, địa phương chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Liều thuốc nào “đặc trị” cho giải ngân vốn đầu tư công? - Ảnh 1.

Đến cuối tháng 5 vừa qua, cả nước mới giải ngân được gần 117.500 tỷ đồng, đạt hơn 20% kế hoạch. (Ảnh minh họa: VN Media)

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính vừa phải tổ chức 2 cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này. Kết quả ghi nhận vẫn còn 8 bộ ngành và 37 địa phương đến thời điểm này chưa giải ngân được đồng vốn nào từ nguồn nước ngoài, 15 địa phương giải ngân được trên 3%.

Một số nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này như ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các dự án ODA và vay ưu đãi đều liên quan đến yếu tố nước ngoài như: nhập máy móc, thiết bị, chuyên gia, nhà thầu, tư vấn giám sát không thể sang làm việc nên bị chậm tiến độ. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân chủ quan khác, như các dự án chậm hoàn thành thủ tục, các địa phương chậm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài

Trong quá trình thực hiện, nhiều đơn vị cũng gặp hàng loạt vướng mắc về trình tự, thủ tục ở cả 3 khâu: phê duyệt, triển khai và giải ngân vốn. Ngoài ra, một số quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tế cũng đang chờ các cơ quan chức năng đưa ra phương án sửa đổi.

17 dự án của các địa phương chậm giao vốn. Thậm chí, một số địa phương còn chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của năm nay, trong khi theo quy định việc này đáng lẽ phải hoàn thành vào cuối năm 2020. 18 dự án của các bộ ngành chậm tiến độ ở tất cả các khâu trong quá trình triển khai.

"Vướng mắc là hiệp định vay vốn lần 2 chưa được ký. Thủ tướng đã có chủ trương thành lập đoàn đàm phán để ký hiệp định, nhưng hiện cần rà soát lại hiệp định vay 32 nên chưa có cơ sở để giải ngân", ông Trần Văn Ngọc, Phó trưởng Ban Kế hoạch tài chính, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết.

Liều thuốc nào “đặc trị” cho giải ngân vốn đầu tư công? - Ảnh 2.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có khoảng 1.200 dự án phải cắt giảm vì chưa thực sự cần thiết. (Ảnh minh họa: VGP)

Ngoài ra, theo quy định mới tại Nghị định 56 của Chính phủ, các dự án không được phép sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí hay lãi suất tiền vay. Tuy nhiên, do nhiều dự án được ký từ trước khi Nghị định ra đời, nên nay phải mất thêm thời gian điều chỉnh.

5 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phải trả lại 41 hồ sơ đề nghị giải ngân do các đơn vị làm sai quy trình, không đủ điều kiện cấp vốn. Ngoài ra, nhiều dự án chậm đấu thầu dẫn đến chậm trễ trong việc triển khai.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn nước ngoài, Bộ Tài chính cho rằng giải pháp trước mắt là các bộ ngành, địa phương cần chủ động rà soát, giải quyết tối đa những vấn đề có thể làm được trong phạm vi quyền hạn, trong đó có việc ngay lập tức phân bổ chi tiết dự toán của từng dự án, cần tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân. Riêng những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Nghị định 56 về quản lý và sử dụng vốn ODA ưu đãi nước ngoài cũng đang được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến sửa đổi.

"Những nội dung liên quan tới kế hoạch vốn, tới chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, thẩm định và báo cáo Chính phủ. Những vấn đề liên quan tới điều chỉnh hiệp định vay thì Bộ Tài chính chủ trì, đề nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ", Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho hay.

Vốn đầu tư công trong nước mới giải ngân khoảng 21%

Có tỷ lệ giải ngân khá hơn so với vốn nước ngoài, tuy nhiên, vốn đầu tư công trong nước hết 5 tháng cũng mới chỉ đạt khoảng 21%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều đơn vị còn chưa có kế hoạch giải ngân.

Theo Bộ Tài chính, hiện mới có 7 bộ và 8 địa phương giải ngân đạt trên 25% kế hoạch như: Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam và Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tới 39/50 bộ ngành và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Đặc biệt, 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Cùng với sự chậm trễ giải ngân thì nhiều bộ, ngành, địa phương cũng không thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Ảnh hưởng của dịch bệnh là nguyên nhân được hầu hết các bộ ngành, địa phương viện dẫn để giải thích cho sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, một vấn đề nóng diễn ra trong thời gian qua, đó là nguyên vật liệu thiếu nguồn cung và tăng giá đột biến, đặc biệt là thép xây dựng... đã khiến tiến độ thi công của nhiều nhà thầu bị ảnh hưởng. Việc sớm xử lý những vướng mắc này đang là bài toán cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan chức năng.

Thúc giải ngân vốn đầu tư công trong nước

Thép xây dựng tăng đến 40% khiến không ít nhà thầu tại các dự án đầu tư công phải thi công cầm chừng, thậm chí dừng hẳn với tâm lý chờ đợi giá cả ổn định trở lại. Đại diện nhiều bộ ngành cho biết, phải tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn này để các dự án có thể lấy lại tiến độ.

Liều thuốc nào “đặc trị” cho giải ngân vốn đầu tư công? - Ảnh 3.

Theo Bộ Tài chính, hiện mới có 7 bộ và 8 địa phương giải ngân đạt trên 25% kế hoạch. (Ảnh minh họa: Dân trí)

"Đứng ở góc độ quản lý, trách nhiệm của nhà thầu, nhưng cũng xem xét hướng tháo gỡ vì nhà thầu không làm thì vi phạm hợp đồng, còn làm có khả năng lỗ", ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình, Bộ Giao thông vận tải, nói.

Một số nguyên nhân chủ quan liên quan đến việc lập kế hoạch, lựa chọn và phê duyệt dự án của các bộ ngành, địa phương chưa hiệu quả cũng làm chậm tiến độ giải ngân. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có khoảng 1.200 dự án phải cắt giảm vì chưa thực sự cần thiết.

"Việc rà soát phải được làm ngay từ khâu phê duyệt dự án để hạn chế số lượng dự án khởi công mới để tập trung cho các dự án đang triển khai, sắp hoàn thành", ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định.

"Giao quyền quyết định cho người đứng đầu các bộ ngành và địa phương để quyết định dự án nào cần trước, dự án nào sau để tránh áp lực không đáng có lên chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ", ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho hay.

Mới đây, Chỉ thị số 13 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ sẽ cắt giảm số lượng dự án đầu tư công chưa thực sự cần thiết. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra giám sát, đánh giá thực hiện và khen thưởng kỷ luật nghiêm minh, đảm bảo mục tiêu vốn đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút các nguồn lực kinh tế khác.

Như vậy, nửa cuối năm nay sẽ phải giải ngân gần 80% vốn đầu tư công để hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã đặt ra. Áp lực không hề nhỏ đòi hỏi các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa. Theo các chuyên gia, đây là lúc cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị để hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ GTVT ra “tối hậu thư” giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 Bộ trưởng Bộ GTVT ra “tối hậu thư” giải ngân vốn đầu tư công năm 2021

VTV.vn - "Kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước