Tờ Thüringer Allgemeine ra ngày 28/3 có bài "Người Việt Nam đang tới", kể về một công ty xây dựng nhà cửa và quản lý bất động sản của Đức đang làm ăn rất tốt, doanh số hàng năm 25 triệu EUR.
Tuy nhiên, vấn đề của công ty này là không tuyển được người. Ông Tổng Giám đốc đã nhiều lần sang Việt Nam tuyển dụng và nay rất hài lòng khi đưa được sang Đức 2 kỹ sư xây dựng là Quang Truong Cao và Kim Van Linh cùng 3 thực tập sinh Việt Nam. Đó là 5 trong số 40 người Việt mới được đưa sang Đức làm việc năm 2018 riêng tại vùng này.
Bài báo viết: "Ý tưởng khá đơn giản. Thanh niên Việt Nam học đúng cái nghề mà ít thanh niên Đức muốn học, sau đó làm việc ở những nơi mà người dân địa phương đang có xu hướng rời đi. Tỷ lệ thành công cao".
Nước Đức đang rất cần kỹ sư xây dựng, thợ cơ khí, kỹ sư điện xe hơi, y tá, hộ lý… Tờ Peiner Allgemeine Zeitung ra tại Đức tháng 3/2019 có bài về 10 người Việt Nam được một tổ chức của Đức đưa sang Đức học nghề hộ lý năm 2013. Bài báo viết kỹ về hành trình của một y tá tên Ha Nguyen, sau khi học xong trung cấp y tại Việt Nam đã không thể tìm được công việc có triển vọng. Sau đó, nhờ Internet biết đến một dự án của Đức đào tạo nghề y tá cho người Việt, không phải là đào tạo ở Việt Nam mà là ở Đức. Sau khi tốt nghiệp, cô gái làm việc luôn tại Đức và đến nay đã được 3 năm.
Điều kiện để có thể đi làm ở Đức tất nhiên là biết nghề mà nước Đức đang cần, tiếp theo là có thể giao tiếp bằng tiếng Đức và đọc hiểu được văn bản. Sau khi được đào tạo thêm tại Đức, người lao động sẽ được cấp thẻ cư trú 3 năm và giấy phép lao động có thời hạn 2 năm, sau đó có thể xin gia hạn thêm 5 năm.
Tờ Thüringer Allgemeine đặt câu hỏi, với cả triệu người tị nạn mới đến, đa số là thanh niên châu Phi hay là Arab, đó không phải là nguồn nhân lực trẻ khỏe cho nước Đức đấy hay sao? Một số doanh nhân đã trả lời là họ thích người Việt hơn bởi nếu tuyển người theo cách này, người Việt chỉ sang Đức khi đã biết tiếng Đức và có sẵn một nơi nhận đào tạo.
Mô hình này thành công và theo bài báo, hợp tác theo cách này với Việt Nam có thể được nước Đức áp dụng với các nước khác bên ngoài Liên minh châu Âu. Bài báo viết: "Tuyển chọn lao động Việt Nam là một trong các nội dung của chuyến thăm kéo dài 1 tuần, bắt đầu từ 6/4 của một phái đoàn 100 quan chức và doanh nhân Đức tại Hà Nội và tại TP.HCM".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!