Tuần qua, lượng người lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã đạt con số kỷ lục 3,3 triệu người. Làn sóng sa thải hàng loạt do dịch COVID-19 lây lan mạnh đã khiến nhiều mảng kinh tế của Mỹ tê liệt, đồng thời chấm dứt thời kỳ bùng nổ việc làm kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Nhìn lại khủng hoảng tài chính năm 2008, cách đây hơn 10 năm, tại Mỹ, hơn 8 triệu người mất việc làm, xấp xỉ 2,5 triệu doanh nghiệp phá sản và có tới gần 4 triệu ngôi nhà bị thu hồi trong vòng 2 năm.
Năm 2010, 2 năm sau khủng hoảng, chính quyền Mỹ đã "rót" hàng trăm tỷ USD để tạo việc làm mới và trợ cấp người thất nghiệp. Lúc đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói trị giá 149 tỷ USD cho các mục tiêu hỗ trợ thất nghiệp và giảm thuế, trong đó, khoảng 98,5 tỷ USD được dùng để hỗ trợ chính quyền các bang tránh sự sụt giảm nhân công trong các lĩnh vực cộng đồng, giáo viên và nhân viên cảnh sát. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng và nỗi lo bị sa thải bất kỳ lúc nào đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin người tiêu dùng Mỹ. Họ buộc phải cắt giảm chi tiêu và điều này lại ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế tiêu dùng, vốn đóng góp tới 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ.
Lần này, người ta không khỏi lo ngại nước Mỹ sẽ lại bước vào chu kỳ suy thoái chỉ vì một con virus. Nhìn vào những gì đã xảy ra trong quá khứ, khi đối mặt với làn sóng sa thải và thất nghiệp, mọi gói cứu trợ xem ra chỉ là liệu pháp cấp cứu ban đầu. Thực tế chứng minh rằng, với những gói cứu trợ khổng lồ mà số người mất việc làm vẫn gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!