Làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự trên toàn cầu: Làm sao để tránh?

Theo Dân trí-Thứ ba, ngày 30/08/2022 08:04 GMT+7

VTV.vn - Nền kinh tế và thị trường việc làm hiện nay có thể khiến nhiều bạn lo lắng khi hàng loạt công ty sa thải, cắt giảm nhân sự hoặc đóng băng tuyển dụng.

Theo một nghiên cứu của Conference Board, 41% người được hỏi tin rằng chúng ta đang ở trong một cuộc suy thoái và 33% nói rằng suy thoái sẽ xảy ra trong 6 tháng tới.

Phần lớn niềm tin này dựa trên việc các công ty đang cố gắng cắt giảm chi tiêu và thực hành tiết kiệm. 36% người nói rằng công ty của họ đang hạn chế tuyển dụng cho những vị trí quan trọng và 22% nói rằng việc tuyển dụng đã bị đóng băng hoàn toàn. 19% khác nói rằng công ty của họ đã thực hiện các bước để tái cấu trúc và 13% nói rằng công ty đang tiến hành cắt giảm nhân sự.

Làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự trên toàn cầu: Làm sao để tránh? - Ảnh 1.

Suy thoái tác động lớn đến thị trường lao động và việc làm (Ảnh: Getty).

Một nghiên cứu của FlexJobs với 4.500 người củng cố lo ngại này của người lao động khi 25% số người được khảo sát cho biết họ đã bị cho thôi việc hoặc biết ai đó nằm trong hoàn cảnh như vậy. Theo nghiên cứu của Conference Board, Millennials (những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1996) là nhóm người lo lắng nhất về khả năng mất việc với 64%, tiếp theo là Gen X (sinh năm 1965-1980) với 46% và cuối cùng là Baby Boomers (sinh năm 1946 - 1964) với 26%.

Ngoài việc giữ bình tĩnh, bạn nên cập nhật thông tin, tìm hiểu những gì đang xảy ra xung quanh để có thể phản ứng một cách tích cực.

Dưới đây là 5 lời khuyên giúp bạn quản lý tốt công việc trước mối đe dọa của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tập trung vào tài chính

Các lựa chọn về công việc thường gắn liền với tài chính cũng như mức độ an toàn và linh hoạt về tài chính. Việc bạn có khả năng bị sa thải hay muốn thay đổi công việc đều liên quan lớn đến tình hình tài chính của bạn.

Khảo sát của Conference Board cho thấy 60% người được hỏi lo lắng về sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Điều này đặc biệt đúng đối với thế hệ Baby Boomers khi 71% trong số họ tỏ ra lo ngại hơn so với 59% của Gen X và 43% của Millennials. Ngoài ra, người lao động cũng lo lắng về việc mất việc làm (42%) và mất các quyền lợi về sức khỏe (14%).

Bằng cách thực hiện một số thay đổi trong đầu tư, chi tiêu và ngân sách, bạn có thể kiểm soát tốt công việc trong một thị trường việc làm đang thay đổi. Trong nghiên cứu của Conference Board, 66% người được hỏi có kế hoạch ứng phó với suy thoái kinh tế bằng cách cắt giảm chi tiêu hoặc tạm dừng mua sắm các mặt hàng đắt tiền (54%) như ô tô hoặc nhà ở. Trong khi đó, 32% lên kế hoạch tăng tiết kiệm và 19% chuyển danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Đây là những chiến lược bạn có thể xem xét thực hiện.

Làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự trên toàn cầu: Làm sao để tránh? - Ảnh 2.

Đánh giá công việc và mong muốn của bạn để lên kế hoạch quản lý công việc hiệu quả (Ảnh: Getty).

Tự do hơn về tài chính cũng giúp bạn tự tin hơn trong công việc, giúp bạn dễ dàng vượt qua khoảng thời gian nghỉ việc hoặc nếu bạn muốn chuyển sang một cơ hội khác.

Tập trung vào các lựa chọn

Một bước quan trọng khác mà bạn có thể thực hiện là đánh giá vị trí của bạn trong công việc hiện tại và xem liệu bạn có muốn tiếp tục công việc đó không hay bạn muốn chuyển sang một công việc khác.

Theo nghiên cứu của FlexJobs, 80% người được khảo sát chung ý kiến rằng lạm phát là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định công việc của họ, trong khi 73% số người cho biết yếu tố ảnh hưởng có lớn nhất là suy thoái. Còn theo nghiên cứu của Conference Board, 40% Baby Boomers nói rằng họ sẽ trì hoãn việc nghỉ hưu nếu suy thoái kinh tế xảy ra.

Với những yếu tố này, có 3 hướng cho bạn lựa chọn:

Thứ nhất, hãy cân nhắc mức độ bạn muốn thay đổi khi biết thị trường việc làm đang thắt chặt. Tập trung vào hai câu hỏi: Điều gì khiến bạn hài lòng hoặc không hài lòng với công việc hiện tại? Những yếu tố đó quan trọng hoặc có tác động như thế nào đối với bạn?

Ví dụ, nếu bạn thấy công việc bạn đang làm không ý nghĩa và nó ảnh hưởng lớn đến động lực và hạnh phúc của bạn, bạn nên lập kế hoạch tìm kiếm việc làm mới. Mặt khác, nếu nó không ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm hàng ngày của bạn, thì tốt nhất bạn nên giữ nguyên công việc hiện tại.

Thứ hai, cân nhắc xem có công việc nào tốt hơn không. Trong một thị trường việc làm ngày càng thắt chặt, bạn có thể có ít khả năng lựa chọn hơn so với trước đây về yêu cầu trả lương, phúc lợi hoặc thậm chí là làm việc từ xa.

Trong cuộc khảo sát của FlexJobs, 44% người cho biết khó tìm được một công việc từ xa trong năm tới. Có thể họ đúng vì nhiều công ty đang khuyến khích nhân viên đến làm việc tại văn phòng, đồng thời nhiều người đang tìm việc hơn và mọi người ngày càng sẵn sàng nhận những công việc đòi hỏi thời gian ở văn phòng.

Thứ ba, hãy cân nhắc công sức bạn muốn bỏ ra cho quá trình tìm kiếm việc làm. Trong cuộc khảo sát của FlexJobs, 62% số người được hỏi không cảm thấy tự tin lắm về khả năng tìm được một công việc mới. Ngoài ra, 43% cho biết họ mất nhiều thời gian hơn để tìm một công việc mới so với những lần tìm kiếm trước đây. Nếu bạn chọn thay đổi, bạn sẽ phải bỏ ra nhiều công sức hơn để tìm kiếm một công việc mới.

Tập trung vào hiệu suất công việc

Một cách khác để đối phó với những khó khăn tiềm ẩn để đảm bảo công việc hoặc các lựa chọn nghề nghiệp của bạn là thực hiện xuất sắc phần việc được giao với tất cả khả năng. Khi thời điểm khó khăn, bạn rất dễ trở nên lo lắng hoặc mất tập trung. Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà xao nhãng công việc và hãy tránh bị lôi vào các tin đồn. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những người giữ được cái đầu tỉnh táo và duy trì sự gắn bó, đặc biệt khi công ty đang gặp khó khăn.

Bạn hãy tập trung hoàn thành tốt công việc, tập trung vào khách hàng và tập trung vào đồng nghiệp. Một khi bạn có thể duy trì động lực làm việc, giá trị và sự an toàn trong công việc của bạn sẽ được nâng cao.

Làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự trên toàn cầu: Làm sao để tránh? - Ảnh 3.

Trong thời điểm khó khăn, hãy luôn tập trung vào tương lai (Ảnh: Getty).

Tập trung vào mạng lưới quan hệ

Một khoản đầu tư thông minh khác trong thời kỳ khó khăn là hãy dành thời gian và sức lực cho mạng lưới quan hệ của bạn. Bạn có thể đang gặp phải nhiều vấn đề khiến bạn lo lắng cho công việc của mình, nhưng bạn bè và đồng nghiệp của bạn có thể cũng vậy.

Bạn nên điều chỉnh, đặt câu hỏi, lắng nghe và thể hiện sự đồng cảm. Việc bạn quan tâm và cách bạn có thể hỗ trợ người khác sẽ khiến bạn thấy hạnh phúc và có ý nghĩa hơn, đồng thời mang lại lợi ích cho cả nhóm.

Ngoài ra, bạn hãy giữ liên lạc và tương tác thường xuyên với các mối quan hệ vì họ có khả năng hỗ trợ bạn rất nhiều khi bạn cần họ giúp đỡ trong việc tìm kiếm cơ hội mới hoặc một vai trò mới.

Tập trung vào tương lai

Bạn cũng có thể giảm bớt lo lắng về công việc bằng cách tập trung vào tầm nhìn xa. Hãy tự nhủ rằng thay đổi trong nền kinh tế là điều bình thường và rằng bạn có đủ khả năng để vượt qua những điều này. Bạn hãy tập trung vào những gì bạn có thể học được khi đối mặt với thử thách và vượt qua chúng.

Thực tế, không phải mọi sự thay đổi đều là xấu. Đôi khi bạn có thể thấy may mắn khi tìm được công việc mới tốt hơn, phù hợp hơn sau khi bị cho thôi việc hoặc khi công ty cơ cấu lại có thể giúp bạn tiếp nhận một vai trò mới với nhiều trải nghiệm mới thú vị.

Hãy cập nhật thông tin thường xuyên, xem xét tình hình có ảnh hưởng như thế nào đến bạn và sau đó chủ động với phản ứng. Mỗi tình huống khó khăn bạn gặp phải đều giúp tăng năng lực và khả năng thích ứng của bạn.

Nói chung, thách thức là khó tránh khỏi, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động vượt qua và bảo vệ tốt công việc của mình. Tăng cường tài chính và đánh giá vai trò hiện tại của bạn, đóng góp cho công ty và cộng đồng, và quan trọng nhất, hãy luôn lạc quan - có như vậy, bạn sẽ luôn chủ động và không còn lo sợ trước bất kỳ thay đổi nào của thị trường cũng như nền kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước