Giáng sinh và năm mới luôn là mùa bội thu cho ngành bán lẻ, bởi nhiều người chờ cả năm để sắm sửa cho gia đình cũng như tự thưởng cho bản thân vào dịp này. Đây cũng là dịp hiếm hoi người dân Mỹ cho phép mình tự xả hơi, nghỉ lễ sau một năm bận rộn với công việc. Bởi những ngày lễ khác trong năm, và kể cả những ngày phép tại Mỹ - dù có nhiều, nhưng hơn một nửa công nhân nước này cũng kiên quyết không nghỉ, vì sự cạnh tranh trong công việc quá lớn.
Giáng sinh và năm mới là hai dịp người lao động Mỹ được nghỉ dài nhất. Thống kê mỗi năm tại Mỹ, người lao động có tới hơn chục kỳ nghỉ lễ. Đó là chưa kể, các dịp nghỉ mà vẫn được nhận lương. Được nghỉ nhiều là vậy, nhưng không ít người vẫn kiên quyết không nghỉ.
Theo CNN, năm ngoái, hơn một nửa công nhân tại Mỹ không nghỉ hết số ngày nghỉ phép, dù họ vẫn được hưởng lương. Tính trung bình, mỗi công nhân bỏ phí mất 7 ngày nghỉ có lương.
Hãng tin NBC ước tính, nếu quy thành tiền, người lao động Mỹ đã để lãng phí mất 272 tỷ USD. Trang này cũng cho rằng, việc không nghỉ đúng quy định không tốt cho công nhân lẫn công ty.
Làm việc liên tục có thể ảnh hưởng tới năng suất lao động. Còn công ty cũng khó xử khi phải chọn giữa trả lương nghỉ hay là lương ngày lễ. "Tham công tiếc việc" là một trong những lý do chính khiến người lao động Mỹ ngại nghỉ nhiều.
Một số người muốn gộp số ngày nghỉ 2 năm một lần cho tiện. Vì nhiều công ty cho phép công nhân được gộp số ngày nghỉ không dùng hết của năm trước dồn sang năm sau, như thế nghỉ một lần mới đáng.
Trang CNN thống kê, không ít người cho rằng họ có quá nhiều việc để làm nên không thể nghỉ, một số lại thấy làm việc vui hơn là nghỉ, và không ít người lo rằng, nếu họ nghỉ, họ sẽ bị sa thải.
Hầu hết các công ty tại Mỹ giờ thực hiện chính sách thuê nhân công dạng "tự nguyện". Có nghĩa là họ có thể sa thải nhân viên mà không cần đưa ra bất cứ lý do gì. Trừ những người có hợp đồng giấy trắng mực đen, còn không, gần như không có sự đảm bảo nào về công việc cả. Vì thế sức ép cạnh tranh là vô cùng lớn.
Trích lời của các nhà phân tích, Tờ thời báo New York bình, sức ép công việc, sức ép chi tiêu, "đó là lý do vì sao nước Mỹ được mệnh danh là đất nước của không kỳ nghỉ". "Làm việc quá sức đã trở thành một phần đặc trưng của người Mỹ, và đó cũng là lý do vì sao, Mỹ vẫn là nền kinh tế số 1 thế giới".
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!