Làm thế nào để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam?

Huy Hoàng (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 06/03/2019 06:00 GMT+7

VTV.vn - Tính minh bạch thông tin và giới hạn sở hữu nước ngoài được coi là khá then chốt để góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

1,5 tỷ USD (khoảng hơn 34.000 tỷ VNĐ) sẽ vào Việt Nam khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Nhưng theo đánh giá mới nhất của MSCI, TTCK Việt Nam mới đạt được 52% yêu cầu.

Nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng của MSCI và FTSE cũng chính là mục tiêu mà Ủy ban chứng khoán đặt ra cho năm 2019. Việt Nam được lợi như thế nào khi được nâng hạng và cơ hội có lớn không?

Sức hút vốn ngoại đẩy khả năng nâng hạng thị trường

Việt Nam được giới đầu tư đánh giá là điểm đến của dòng vốn quốc tế khi là thị trường IPO hàng đầu Đông Nam Á với kết quả 2,6 tỷ USD trong năm 2018.

Nhưng đó là khi hàng hóa bán là hàng tốt và ai cũng muốn mua. Vậy làm sao để bán được những mặt hàng nhỏ hơn, chất lượng hấp hơn? Đó là hãy cho các nhà đầu tư biết cả giỏ hàng đều tốt, thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Hiện có 3 tổ chức lớn về xếp hạng là S&P Down Jones, Russell và MSCI. Theo đánh giá mới nhất của MSCI năm 2018, Việt Nam mới đạt 8/17 tiêu chí để có cơ hội nâng hạng thị trường. Những tiêu chí chưa đạt được phải kể đến như giới hạn sở hữu nước ngoài, quy định dòng vốn luân chuyển, room còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài…, đa số là các tiêu chí về khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu, doanh nghiệp, thị trường.

Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE đưa vào danh sách xem xét nâng hạng. Rất có thể năm 2019 sẽ có bước tiến tiếp theo và một trong các mấu chốt được khuyến nghị nhiều nhất cần cải thiện là nới room với sở hữu nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.

Một báo cáo của Quỹ PXP Vietnam đã nêu rõ những nhiều điểm còn khiến thị trường Việt Nam thiếu hấp dẫn như Nghị định này cho phép công ty có room ngoại hơn 49% nhưng luật kia sẽ đánh thuế cao hơn với các công ty này. 

Tuy nhiên, đấy chưa phải là rào cản lớn nhất. Bởi có quan điểm cho rằng việc nới lỏng cho các nhà đầu tư ngoại sẽ dẫn tới những hệ quả khó lường như mất quyền quản trị nhưng theo các chuyên gia, đây chỉ là "cởi mở" chứ không phải "thả lỏng".

Hiện nay, room trung bình của nhà đầu tư nước ngoài là 49%, với tài chính ngân hàng là 30%. Theo các chuyên gia, ở lĩnh vực tài chính có thể nới room khi cung và cầu đang gặp nhau.

Bước tiến lớn nhất trong Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua năm nay là nâng sở hữu lên 100% trừ khi ngành nghề đặc thù có quy định riêng và không còn điều khoản phụ thuộc vào điều lệ doanh nghiệp.

Tiêu chí chỉ là định lượng và định tính

Để được xem xét nâng hạng, các tổ chức như FTSE hay MSCI sẽ xem xét cả yếu tố định lượng và định tính, tuy nhiên, các yếu tố định tính được xác định qua các bảng khảo sát gửi đến các nhà đầu tư quốc tế là ai thì không biết nhưng có thể biết là họ chưa hài lòng. Tính minh bạch thông tin và giới hạn sở hữu nước ngoài được coi là khá then chốt.

Hay trong khi quy chuẩn IFRS, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế xây dựng bởi Hội đồng tiêu chuẩn Kế toán Quốc tế (IASB), đã trở thành luật chơi phổ biến trên toàn cầu với khoảng 131 quốc gia áp dụng, dù với bất cứ ngôn ngữ nào cũng có thể hiểu thì Việt Nam lại thuộc số ít các quốc gia chưa có tuyên bố về áp dụng IFRS.

Theo Luật Đầu tư, nếu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên thì phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài, đồng nghĩa với những ràng buộc chặt chẽ hơn về kinh doanh hay thậm chí phải đóng thuế cao hơn.

Các quốc gia phải thay đổi để được nâng hạng thị trường

Để được nâng hạng thị trường, những nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc còn mất đến 3 năm mới được xếp hạng lên thị trường mới nổi hay nhiều quốc gia khác thậm chí còn phải có cả những đạo luật để cải tổ, thay đổi ngành chứng khoán.

Để đáp ứng điều kiện nâng hạng thị trường, Trung Quốc đã có những bước nới lỏng về quy định và cải cách thị trường.

Hay để được chấp nhận vào MSCI thị trường mới nổi năm 2018 Saudi Arabia phải mở rộng cửa để dòng tiền đầu tư đổ vào các thị trường chứng khoán này, bao gồm việc bán cổ phần tại công ty dầu mỏ Saudi Aramco thuộc sở hữu của chính phủ. Các nhà phân tích ước tính Saudi Arabia sẽ thu được khoảng 35 tỷ USD từ các nhà quản lý tiền trên toàn thế giới.

Hay để Pakistan được nâng hạng lên thị trường mới nổi, năm 2016 một đạo luật mới được thông qua nằm sửa đổi các quy định về ngành chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư và Pakistan sáp nhập 3 sàn chứng khoán Karachi, Lahore và Islamabad thành một sàn giao dịch chứng khoán duy nhất là Sở giao dịch chứng khoán Pakistan. Tháng 1/2016, cơ chế E-voting được thông qua. Dự kiến dòng tiền từ 300 đến 500 triệu USD vào thị trường này.

Hoàn thiện các tiêu chí để được nâng hạng, đó là việc TTCK Việt Nam đã, đang và sẽ làm. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy không phải cứ đáp ứng 100% các tiêu chí mới được nâng hạng. Như TTCK Trung Quốc không có công bố thông tin bằng tiếng Anh mà lại bằng tiếng Trung hay Saudi Arabia được nâng hạng đơn giản là vì nhà đầu tư ngoại không muốn để tuột cơ hội trong đợt IPO của trong những công ty lớn nhất trên thế giới, Sabi Aramco.

Vì những lý do đó, Việt Nam đang được giới quan sát đánh giá là một ví dụ rất hoàn hảo trên phương diện tổng thể về vĩ mô và vi mô để được thêm vào danh mục theo dõi của MSCI.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước