Đến thời điểm này, cuộc hưởng ứng "giải cứu nông sản" đã qua đi. Tuy nhiên, những lời kêu gọi giải cứu nông sản không chỉ xuất hiện trong thời điểm ngành nông nghiệp gặp khó do dịch COVID-19 mà đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Nhìn thấy gì qua câu chuyện này và làm thế nào để chấm dứt điệp khúc giải cứu? Phóng viên VTV24 đã có cuộc trao đổi với chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy.
Theo ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên nhân dẫn đến giải cứu nông sản do sản xuất manh mún, khối lượng rất nhiều nhưng lại rải rác nên dẫn đến tình trạng không kiểm soát được đầu vào dẫn đến chất lượng thấp. Nguyên nhân thứ hai là hoa trái của Việt Nam tập trung thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 6 cùng một năm. Như vậy, trong thời gian 4 tháng, lượng của chúng ta là khoảng 8,6 triệu tấn. Trong khi đó, bảo quản, năng lực chế biến chỉ đạt được từ 5-10% trên tổng sản lượng của 8,6 triệu tấn. Bên cạnh đó là sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Thời điểm này có phải là lúc Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường? "Đây là thời cơ tốt nhất để cơ cấu lại thị trường. Ngoài Trung Quốc, chúng ta vẫn còn thị trường của Nhật và Hàn, thị trường tiềm năng nữa là chúng ta đưa mạnh vào thị trường Mỹ. Tiếp nữa chúng ta vẫn phải kể đến thị trường châu Âu" - ông Thủy cho biết thêm.
Ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng: "Có thể nói trong 5 năm qua, chúng ta hướng quá nhiều về nông sản xuất khẩu. Chúng ta nên nhớ rằng, ngoài trái cây Việt Nam, thị trường trong nước phải nhập khẩu 25-27% tổng sản lượng xuất đi. Để một nền nông nghiệp phát triển bền vững, phải chấp nhận kinh tế thị trường, trả lại cái vốn có của nó là sản xuất, tiêu dùng phải do thị trường quyết định. Có như vậy, bản thân người nông dân mới có liên kết sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn, quan tâm đến mẫu mã, hoàn chỉnh đến khâu cuối cùng một sản phẩm với người tiêu dùng. Chính lúc đó giải cứu sẽ bị mất đi".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!