Lạm phát tại châu Âu tăng nhanh hơn dự báo

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 29/11/2021 12:00 GMT+7

VTV.vn - Lạm phát tại các nước châu Âu đang tăng nhanh hơn nhiều so với mọi dự báo trước đây.

Từ nhiều năm nay, các ngân hàng trung ương châu Âu đã cố gắng thúc đẩy lạm phát bằng cách bơm tiền nhiều đợt vào nền kinh tế. Hiện nay, giá năng lượng tăng 23% chỉ trong một năm và rối loạn nguồn cung đã kéo giá cả tăng vọt.

Dịch COVID-19 đã làm giảm thu nhập của rất nhiều người lao động ở châu Âu. Tiền đã ít, nay lại còn mất giá, do lạm phát gia tăng.

Tại Cộng hòa Czech, lạm phát có thể lên tới 6% trong năm nay, theo một bài trên nhật báo Dnes. Bộ trưởng Tài chính Czech được tờ báo trích đăng thừa nhận rằng: "Lạm phát cả năm cao hơn nhiều so với mức dự báo hồi giữa năm. Cộng hòa Czech đã phải tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát đồng Koruna

Bên cạnh Czech là Ba Lan, cũng dùng đồng tiền riêng. Tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan cho biết lạm phát đã lên tới 7% và chưa chắc đã phải là điều tồi tệ nhất, vì một số cảnh báo còn cho rằng đồng Zloty sẽ sớm lạm phát ở mức 2 con số, tức trên 10%.

Một trong những lý do làm trầm trọng lạm phát của các nước châu Âu vẫn dùng tiền riêng là ngân hàng trung ương các nước này đã cố tình duy trì đồng nội tệ yếu hơn so với Euro và USD, nay Euro, USD tăng giá càng thúc đẩy lạm phát.

Lạm phát tại châu Âu tăng nhanh hơn dự báo - Ảnh 1.

Trong những tháng tới, lạm phát có thể sẽ còn tồi tệ hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC)

Tuy nhiên tại Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu và dùng đồng Euro, lạm phát năm nay cũng sẽ là 6%.

Theo tờ Luxemburger Wort, tính trung bình toàn bộ khu vực sử dụng đồng Euro, tỷ lệ lạm phát là 4,1%, cao hơn nhiều so với mục tiêu trung hạn 2% do Ngân hàng trung ương châu Âu đặt ra. Trong suốt nhiều năm qua, lạm phát quá thấp, thậm chí có lúc giảm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tìm mọi cách đưa lạm phát lên 2%, tuy nhiên hiện lại phải cố ghìm lạm phát về mức này.

Sau những con số và phần trăm là cuộc sống của mỗi người dân. Tờ Liberation ra tại Pháp phủ kín trang nhất bằng thông điệp "Lạm phát, vấn đề khẩn cấp", không chỉ do giá điện giá xăng tăng, thương mại toàn cầu rối loạn, thiếu hụt đủ loại sản phẩm, cảng biển quá tải.

Tính cả năm nay, theo bài báo, chỉ số giá sản phẩm công nghiệp tăng gần 11%, chỉ số giá nông sản tăng 22%.

Bài báo viết, khi giá nguyên liệu nông sản bắt đầu tăng, phải sau 3 tháng hậu quả mới rõ nét đối với ngành chế biến thực phẩm và sau 8 tháng mới kéo giá cả hàng hóa bán lẻ đi lên. Đối với các sản phẩm thuê gia công ở nước ngoài và nhập khẩu vào châu Âu, độ trễ tăng giá sản phẩm tới người tiêu dùng là sau 7 tháng.

Nếu chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí vận chuyển còn chưa cải thiện, trong những tháng tới, lạm phát có thể sẽ còn tồi tệ hơn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ kỳ vọng lạm phát sẽ “hạ nhiệt” Bộ trưởng Tài chính Mỹ kỳ vọng lạm phát sẽ “hạ nhiệt”

VTV.vn - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ hy vọng rằng lạm phát sẽ "hạ nhiệt" trong nửa cuối năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước