Phóng viên TTXVN tại Anh dẫn khảo sát của tờ Financial Times với các nhà kinh tế cho thấy nhiều người trong số này lo ngại, cùng với dịch COVID-19, lạm phát là yếu tố rủi ro đáng quan tâm nhất đối với triển vọng phục hồi và tăng trưởng của 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro.
Theo các chuyên gia kinh tế, phục hồi kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguy cơ suy giảm nếu lạm phát liên tục tăng cao, khiến thu nhập người tiêu dùng giảm và buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kết thúc các biện pháp kích thích sớm hơn kế hoạch. Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Copenhagen, Jesper Rangvid, cho rằng lạm phát sẽ "ăn" vào tiền lương khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi ECB có thể phải tăng lãi suất để đối phó với rủi ro lạm phát. Chuyên gia kinh tế Fabio Balboni tại ngân hàng HSBC cũng cho rằng giá năng lượng tăng cao sẽ "ăn" vào sức mua của hộ gia đình, khiến GDP có thể giảm 0,5 điểm % trong vài quý tới.
Lạm phát tăng mạnh khi nền kinh tế Eurozone bắt đầu phục hồi sau cú sốc đại dịch và nguồn cung phải vật lộn để theo kịp nhu cầu, đẩy giá năng lượng tăng cao và gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Giá tiêu dùng tại châu Âu tăng cao kỷ lục 4,9% trong tháng 11. Giá thành sản xuất tính đến tháng 10 năm nay cũng tăng tới 21,9%, mức tăng nhanh nhất kể từ khi đồng Euro được lưu hành cách đây hơn 20 năm, chủ yếu do giá năng lượng tăng đã tới 62,5%. Trước áp lực lạm phát tăng cao, ECB đã buộc phải điều chỉnh dự báo lạm phát khu vực đồng Euro lên 2,6% năm 2021 và 3,2% năm 2022, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 2%.
Theo chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại Công ty dịch vụ tài chính Allianz (Đức), bà Katharina Utermöhl, triển vọng kinh tế của khu vực Eurozone sẽ chững lại theo đà tăng của lạm phát. Nếu lạm phát tiếp tục cao hơn mục tiêu sau năm 2022, ECB sẽ buộc phải điều chỉnh chính sách mạnh mẽ hơn, làm tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế và gây rủi ro về ổn định tài chính. Đầu tháng này, ECB đã tuyên bố sẽ ngừng mua trái phiếu ròng vào tháng 3 tới như một phần việc nới lỏng dần chính sách.
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Nicholas Bennenbroek - chuyên gia kinh tế quốc tế của Công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Wells Fargo (Mỹ) - cho rằng lạm phát tăng cao gây ra rủi ro lớn hơn so với đại dịch. Ông chỉ ra rằng các làn sóng dịch trước đây chỉ gây ra những tác động ngắn hạn đến tăng trưởng kinh tế. Giáo sư André Sapir tại Đại học Université libre de Bruxelles cho rằng thách thức lớn nhất đối với Liên minh châu Âu (EU) là phải tìm được sự cân bằng chính sách vĩ mô, cả về tài khóa và tiền tệ, để nền kinh tế khu vực tiếp tục phục hồi mà vẫn có thể kiểm soát được lạm phát.
Theo dự báo của phần đông các nhà kinh tế, khu vực Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 4% trong năm tới, thấp hơn một chút so với mức dự báo 4,2% của ECB.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!