Theo Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), thế giới sẽ không quay trở lại "môi trường lạm phát thấp" như trước thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng như bất ổn về địa chính trị.
Những con số cao kỷ lục
Người Mỹ xếp hàng chờ tính tiền trong một siêu thị. (Ảnh: Bloomberg)
Các số liệu ở Mỹ cho thấy lạm phát tại nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao, là cơ sở để Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tích cực theo đuổi biện pháp tăng lãi suất trong các cuộc họp chính sách sắp tới.
Hồi tháng 3/2022, FED đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ liên tục tăng lên các mức cao chưa từng thấy trong khoảng 40 năm.
Sau đó, FED tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và 75 điểm cơ bản lần lượt vào tháng 5 và giữa tháng 6, đánh dấu lần tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994.
Các nhà hoạch định chính sách cũng ngụ ý khả năng cao FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7, thậm chí sẽ thực hiện thêm những bước đi táo bạo trong những tháng tiếp theo.
Những động thái này làm dấy lên nguy cơ kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, một cái giá mà Chủ tịch FED Jerome Powell từng phát tín hiệu rằng sẽ sẵn sàng đánh đổi để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới.
Cụ thể, giá tiêu dùng tại 19 nước thành viên Eurozone trong tháng 6 tăng 8,6%, vượt mức kỷ lục trước đó là 8,1% ghi nhận trong tháng 5. Kể từ tháng 11/2021, giá tiêu dùng tại Eurozone đã liên tiếp ghi nhận các mức kỷ lục khi giá năng lượng tăng vọt do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Đặc biệt, tỷ lệ lạm phát tại Italy tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lạm phát hàng tháng cao nhất trong 36 năm qua kể từ tháng 1/1986.
Lạm phát của Pháp cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1991, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng vọt.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo lạm phát ở Anh có khả năng sẽ đứng ở mức cao trong thời gian dài khi nền kinh tế nước này đang chịu tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng nhiều hơn so với các nước khác.
Lạm phát tại Tây Ban Nha ghi nhận ở mức 10,2%, tăng so với mức 8,7% của tháng trước đó và đây cũng là mức cao nhất trong 37 năm qua kể từ tháng 4/1985.
Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận giá tiêu dùng trong tháng 6/2022 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp giá tiêu dùng ở Hàn Quốc cao hơn mục tiêu lạm phát 2% mà ngân hàng trung ương nước này đặt ra trong trung hạn. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất trong 24 năm kể từ mức 6,8% ghi nhận vào tháng 11/1998, giữa cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998.
Cơ quan thống kê Hàn Quốc cho biết lạm phát dự kiến sẽ duy trì trong phạm vi 6% trong thời điểm hiện tại và khó tránh khả năng sẽ tăng lên mức 7%. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, lạm phát năm có thể vượt mức dự báo 4,7% của Bộ Kinh tế và Tài chính nước này.
Ở Mỹ Latinh, Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) chính thức thừa nhận lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất khu vực này sẽ vượt "trần" mục tiêu do chính phủ đặt ra trong năm thứ hai liên tiếp.
Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 5/2022, lạm phát của Brazil đã tăng lên mức 11,73%. Tỷ lệ lạm phát của Brazil trong năm 2021 lên tới 10,06%, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2015. Đây cũng là lần đầu tiên trong 6 năm qua, tỷ lệ lạm phát vượt mức trần do chính phủ nước này đưa ra là 3,75%.
Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 6 cũng tăng 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 24 năm kể từ tháng 1/1998. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là bắt đầu sau khi Ngân hàng trung ương tiến hành nhiều đợt giảm lãi suất từ năm ngoái.
Hệ lụy khôn lường
Các nhà phân tích cho rằng lạm phát gia tăng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi cuối tháng 2/2022 khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn trên toàn cầu, theo đó giá các mặt hàng như năng lượng, ngũ cốc, phân bón tăng cao. Dư luận lo ngại tình trạng lạm phát tăng cao này sẽ dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế thế giới.
Theo tạp chí Project Syndicate, chỉ hơn hai năm sau khi đại dịch COVID-19 dẫn đến cuộc suy thoái toàn cầu trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, nền kinh tế thế giới lại rơi vào tình trạng nguy hiểm. Lần này, nền kinh tế thế giới phải đối mặt đồng thời với tình trạng lạm phát tăng cao và tăng trưởng chậm lại.
Ngay cả khi suy thoái toàn cầu được ngăn chặn, những tác động của tình trạng lạm phát đình trệ có thể kéo dài trong vài năm, với những hậu quả có thể gây mất ổn định đối với các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình, trừ khi những nền kinh tế này có thể đạt được mức tăng nguồn cung lớn.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc mạnh trong năm nay, từ mức 5,7% trong năm 2021 xuống chỉ còn 2,9%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine, lạm phát gia tăng và lãi suất tăng cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ sụt giảm trong năm 2022.
Dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 7/6 phản ánh một sự tụt hạng khá lớn đối với triển vọng kinh tế, theo đó tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc mạnh trong năm nay, từ mức 5,7% trong năm 2021 xuống chỉ còn 2,9%.
Việc tăng giá năng lượng và lương thực, cùng với sự gián đoạn nguồn cung và thương mại do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra và quá trình bình thường hóa lãi suất hiện đang được tiến hành là những nguyên nhân dẫn đến việc hạ thấp triển vọng nền kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cũng cảnh báo kinh tế toàn cầu có nguy cơ bước vào một kỷ nguyên lạm phát cao mới. Các nguy cơ đình phát (tăng trưởng đình trệ cộng với lạm phát tăng) đang ngày càng hiện rõ khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sau 2 năm đại dịch hoành hành, kết hợp với những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, giá cả hàng hóa leo thang và những bất ổn tài chính đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.
BIS cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải thúc đẩy cải cách để hỗ trợ tăng trưởng lâu dài và đặt nền móng hình thành chính sách tài khóa và tiền tệ bình thường hơn.
Vậy giải pháp cho tình trạng lạm phát leo thang này là gì? BIS đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ, nhấn mạnh các ngân hàng trung ương trên thế giới phải ngăn chặn tình trạng lạm phát kéo dài và trở nên khó thay đổi kể trên.
BIS nêu rõ các thể chế tài chính phải hành động nhanh chóng nhằm đảm bảo lạm phát trở về mức thấp và ổn định trong khi vẫn phải hạn chế ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương phải hành động nhanh chóng và quyết đoán trước khi lạm phát trở nên dai dẳng. Một khi lạm phát kéo dài và khó thay đổi, chi phí để đưa chỉ số này trở lại mức có thể kiểm soát sẽ cao hơn. Trong khi đưa lạm phát trở lại mức thấp và ổn định, các ngân hàng trung ương nên tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, tiếp đó là bảo vệ ổn định tài chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!