Lãi suất tiền gửi tăng dịp cuối năm không có gì bất ngờ

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 14/11/2021 10:33 GMT+7

VTV.vn - Chuyên gia cho rằng, lãi suất tiền gửi tăng dịp cuối năm là điều dễ hiểu khi nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tăng lên.

Khảo sát trên thị trường, lãi suất tiền gửi được một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,1 - 0,3% ở kỳ hạn dưới 3 tháng và từ 12 tháng trở lên.

Trong tháng 10, một số ngân hàng như Eximbank, Sacombank cũng tăng từ 0,1 - 0,4% đối với các kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và từ 12 tháng trở lên.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng được Eximbank tăng lên 3,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng được Sacombank tăng 0,4% lên 3,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5,5%/năm và 24 tháng tăng lên 6%/năm.

Tại SHB, biểu lãi suất tiết kiệm bậc thang và tiền gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ áp dụng cho các khoản dưới 2 tỷ đồng được ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 0,4%, lên mức 6,1% đối với kỳ hạn 24 tháng.

BaoVietBank tăng 0,15% lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm, tăng 0,1% lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,35%/năm. Ở các kỳ hạn từ 13 - 36 tháng, lãi suất tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ được ngân hàng này áp dụng ở mức 6,5%/năm.

Lãi suất tiền gửi tăng dịp cuối năm không có gì bất ngờ - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiền gửi. (Ảnh: Mạnh Quân)

Ông Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - nhận định, hầu như các tháng cuối năm, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, người kinh doanh đều tăng lên, do đó, lãi suất ở một số ngân hàng tăng lên để phù hợp với tình hình. Đặc biệt, trong quý IV năm nay, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục khi trải qua thời gian dài giãn cách xã hội do dịch Covid-19.

"Năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, 10 tháng qua, tín dụng tăng trưởng khoảng 8,5%, nghĩa là còn khoảng 3,5%. Nếu tín dụng cho 2 tháng cuối năm được tăng như thế, các ngân hàng sẽ phải lo toan nhu cầu tín dụng nên họ thường tăng lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn ngắn", ông nói.

Ông Phước cho hay, mức tăng lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn dưới 3 tháng là phù hợp. Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại muốn có thêm nguồn vốn để đảm bảo cho nhu cầu vay vốn cuối năm khi Ngân hàng Nhà nước sắp công bố mức tăng tín dụng cho các tháng còn lại của năm.

"Nhiều ngân hàng không tăng lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng mà chỉ tăng ở kỳ hạn trên 12 tháng là bởi sức ép về lạm phát tăng lên. Lạm phát tăng lên nghĩa là lãi suất sẽ tăng lên, còn lạm phát tăng trong năm 2022 ở mức độ nào thì cần quan sát thêm", ông nhận định.

Theo ông Phước, những nhân tố sẽ ảnh hưởng đến lạm phát là giá năng lượng trên thế giới tăng cao. Thứ hai là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa, nhất là trong các ngành vận tải, logistic. "Nhìn vào diễn biến thị trường, nhiều người cho rằng, lạm phát năm 2022 sẽ tăng cao hơn 2021 nhưng lạm phát tăng lên bao nhiêu thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, tâm lý chung của thị trường là lạm phát tăng sẽ kéo theo lãi suất tăng", ông nói.

Dữ liệu của Cục dự trữ Liên bang Mỹ cho hay, việc giá tiêu dùng tăng lên, lạm phát tăng lên chỉ là tạm thời. Với độ bao phủ vaccine từ nay đến cuối năm gia tăng trên phạm vi toàn cầu thì tất cả các hoạt động của nền kinh tế sẽ trở lại bình thường. Nếu thị trường đón nhận những thông tin đầy đủ như thế thì kỳ vọng về lạm phát sẽ thấp tiến.

"Lãi suất chịu tác động gần gũi từ lạm phát, nếu nền kinh tế lạm phát cao thì lãi suất cao. Theo dự báo, năm 2021, lạm phát ở Việt Nam ở khoảng 2,5%, trong mức Quốc hội cho phép là dưới 4%. Năm 2022, dự báo lạm phát từ 3 - 3,5%, vẫn dưới mức 4%. Với nền kinh tế Việt Nam, lạm phát 3 - 3,5% là bình thường. Thế nên, lãi suất có tăng lên thì cũng không nhiều", ông Phước nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, một số ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiền gửi là hoàn toàn hợp lý. Động thái này tránh việc người dân rút tiền ra khỏi ngân hàng đổ vào bất động sản, chứng khoán. Trong trường hợp, ngân hàng có lượng tiền gửi thấp sẽ không đảm bảo hoạt động cho vay, cũng như nhu cầu khác của ngân hàng, thế nên, lãi suất tiền gửi phải tăng lên.

"Việc tăng lãi suất tiền gửi đa phần đến từ các ngân hàng có quy mô nhỏ, khó khăn vốn đầu vào. Các ngân hàng lớn thì không phải vấn đề lớn nhưng cũng là điều đáng quan tâm. Hiện nay, một số ngân hàng có thanh khoản nhưng hoạt động cho vay khó, bởi nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay thì đã vay rồi, còn số khác thì không đủ điều kiện vay như không có tài sản thế chấp, báo cáo tài chính không khả quan hay nhiều nợ xấu", ông đánh giá.

Chuyên gia dự báo, thời gian tới, khi lạm phát gia tăng, người dân sẽ tăng cường việc bảo vệ tài sản nên sẽ xảy ra tình huống người dân rút tiền khỏi ngân hàng nếu lãi suất không đạt kỳ vọng. Để giữ được tính thanh khoản, có được khả năng cho vay, các ngân hàng sẽ nâng lãi suất đầu vào, nhất là những ngân hàng nhỏ, tính thanh khoản yếu, vốn ít.

Phân tích thêm, ông Thịnh cho rằng, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ khiến nợ xấu ở ngân hàng gia tăng. Để ứng phó với nợ xấu, ngân hàng đã trích lập quỹ dự phòng, quỹ dự trữ. Thế nên, khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay phải đủ lớn để ngân hàng trích lập các quỹ dự phòng nợ xấu.

Đề xuất áp dụng lãi suất rút trước hạn một phần tiền gửi tiết kiệm Đề xuất áp dụng lãi suất rút trước hạn một phần tiền gửi tiết kiệm

VTV.vn - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước