Nền kinh tế giữ được xu hướng tích cực
Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế thế giới 9 tháng đầu năm đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, GDP quý III của Việt Nam ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý I và quý II, cho thấy rõ xu hướng phục hồi. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công nghiệp chế biến chế tạo là ngành thể hiện sự phục hồi khá rõ ràng khi quý I giảm 0,49%; quý II tăng 0,6% thì quý III đã bật tăng 5,61%. Tình hình đang ngày càng được cải thiện hơn qua từng tháng.
Sự phục hồi còn thể hiện rõ nét ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khi tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 47,7%. Những lĩnh vực này đóng góp chung vào sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh min họa.
Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới như tổng cầu giảm, lạm phát cao, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia... nhiều giải pháp chủ động, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đã được Chính phủ và các Bộ, ngành kịp thời ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho biết: "Việt Nam khẳng định lại vị trí của mình, đặc biệt trong việc có sức hút hơn đối với các mặt hàng mà Việt Nam tự sản xuất, tăng chuỗi giá trị, đáp ứng được yêu cầu từ các nước trên thế giới, từ đó tăng giá trị về xuất khẩu. Một yếu tố rất quan trọng đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đầu tư công có vai trò rất quan trọng và có tác động sâu rộng đối với nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế".
Cũng theo ADB, tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, cải thiện các hoạt động thương mại là nền tảng cho kinh tế Việt Nam vững vàng trước những khó khăn mang tính toàn cầu.
Du lịch về đích sớm
Trong 9 tháng của năm nay, điểm sáng chính là các ngành thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2023 tăng 6,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021. Đặc biệt, du lịch đã vượt mục tiêu khách quốc tế của cả năm và triển vọng sẽ còn tăng mạnh khi chính sách visa được mở thông thoáng hơn.
Thời điểm này so với năm 2019, lượng khách quốc tế đến của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist vượt khoảng 5%. Chính sách thị thực mới đã tạo ra không khí phấn khởi cho các doanh nghiệp khai thác các thị trường khách phân khúc trung, cao cấp. Giá tour của dòng khách này tăng 20% so với năm 2019.
Du lịch đã vượt mục tiêu khách quốc tế của cả năm. Ảnh minh họa.
Tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã đạt kế hoạch đón 8 triệu lượt khách quốc tế của cả năm. Dẫn đầu thị trường gửi khách đến Việt Nam là Hàn Quốc, Trung Quốc... Nhưng 2 tháng gần đây, khách châu Âu lại dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Du khách phản hồi tích cực về chính sách thị thực nới lỏng của Việt Nam.
Ông Alberto J.Lôc-Vina - Tây Ban Nha cho biết: "Tôi nghĩ rằng không chỉ dừng lại ở chính sách, các bạn nên chú trọng việc truyền thông rộng rãi vấn đề này trên tất cả các nền tảng mạng xã hội hay trên các trang web của đại sứ quán Việt Nam trên toàn thế giới. Đồng thời, ngành du lịch cũng nên đưa ra chiến dịch quảng bá "chào mừng đến Việt Nam" thật hấp dẫn và tạo được tiếng vang, quảng bá Việt Nam như một điểm đến thân thiện và dễ tiếp cận đối với du khách quốc tế".
Kỳ vọng năm nay, Việt Nam có thể đạt từ 10 đến 12 triệu lượt khách quốc tế. Cùng với dịch vụ và du lịch thì giải ngân đầu tư công là một điểm sáng của kinh tế 9 tháng đầu năm.
Áp lực từ suy giảm kinh tế toàn cầu
Các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối phó với "những cơn gió ngược" của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng... Lạm phát trên thế giới có thể đã qua đỉnh nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Ngoài ra, áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia sẽ gây tác động rất lớn đến kinh tế trong nước
Bất ổn do ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine, tình trạng lạm phát toàn cầu cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt và thị trường tài chính bấp bênh... đã khiến Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo thương mại toàn cầu năm 2023 tăng 1,7%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với năm trước.
Tờ Financial Times dẫn số liệu mới nhất từ Cục Phân tích chính sách kinh tế Hà Lan (CPB) cho biết, khối lượng thương mại toàn cầu tháng 7 vừa qua giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2020 - thời điểm đầu của đại dịch COVID-19.
Sự suy giảm của khối lượng hàng hoá xuất khẩu diễn ra trên diện rộng, với hầu hết các thị trường trên thế giới như Trung Quốc - nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, ghi nhận mức giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, khu vực đồng Euro giảm 2,5% và Mỹ giảm 0,6%.
Lãi suất cao ở Mỹ và châu Âu làm chậm quá trình phục hồi và giảm nhu cầu từ các đối tác thương mại lớn. Kim ngạch xuất khẩu tám tháng đầu năm nay giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu giảm mạnh hơn tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang Mỹ giảm 20,6%, Liên minh châu Âu giảm 9,7% và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giảm 6,8%.
Những rủi ro từ kinh tế toàn cầu; hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị "bào mòn" sau đại dịch COVID-19... đang là những thách thức của kinh tế Việt Nam. Ðiều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.
Tuy nhiên, 3/4 chặng đường của bức tranh kinh tế năm 2023 đã đi qua, nhìn tổng thể những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta bước vào giai đoạn tăng tốc cuối năm, với sự nỗ lực cao nhất của các cấp các ngành, vững vàng vượt qua những "cơn gió ngược" của kinh tế toàn cầu năm 2023.
Chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia trực tiếp của ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã có những phân tích, bình luận chi tiết các vấn đề trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!